Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát giống gia cầm nhập lậu: Không thể lơ là

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc đã cơ bản được kiểm soát, Bộ NN&PTNT lại lo lắng về tình trạng gia cầm giống được nhập lậu về Hà Nội rồi tỏa đi các tỉnh phía Bắc.

Nhập lậu vì giá rẻ

Từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Vững, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm thôn Phù Mã, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn tìm mua con giống qua thương lái. Anh cho biết, chỉ cần một cuộc điện thoại, vài tiếng sau thương lái đã chở con giống đến tận nhà. Theo anh Vững, nguồn giống được thương lái lấy từ địa bàn xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, một trong những "đại bản doanh" cung cấp giống gia cầm lớn nhất miền Bắc. "Mặc dù biết có thể chất lượng con giống không an toàn, nhưng thương lái cũng đã cam kết bảo hành và đặc biệt là giá rẻ nên chúng tôi thường mua giống từ nguồn này" - anh Vững tâm sự.

Được biết, giá vịt con giống chỉ 8.000 - 9.000 đồng/con, trong khi mua trong vùng lên tới trên dưới 20.000 đồng/con. Hơn nữa, năng suất lại cao hơn giống trong nước, chẳng hạn giống vịt super Tàu có trọng lượng thường đạt từ 2,5 - 2,8kg/con, nhiều con lên tới 3,5 - 4kg/con, còn giống trong nước chỉ 2 - 2,2 kg/con. Mặt khác, yêu cầu của chăn nuôi gia cầm là thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả quay vòng vốn lớn nhưng nhiều giống trong nước không đảm bảo.
 
Kiểm soát giống gia cầm nhập lậu: Không thể lơ là - Ảnh 1
 
Chăn nuôi gia cầm tại xã Phủ Linh, huyện Sóc Sơn.
 

Chính vì vậy, một lượng không nhỏ giống gia cầm vẫn được nhập lậu qua biên giới phía Bắc vào nước ta và "tập kết" tại khu vực huyện Phú Xuyên. Hiện, mỗi tuần có khoảng 10.000 con gia cầm giống nhập lậu vào Hà Nội, thường là giống gà lông màu, vịt khoang một tuần tuổi. Giá mua tận gốc khoảng 5.000 - 7.000 đồng/con, về Việt Nam bán với giá 12.000 - 14.000 đồng/con, thấp hơn nhiều so với giá trong nước.

Siết chặt kiểm soát

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên có khoảng hơn 130 trại ấp giống gia cầm. Đây cũng là điểm trung chuyển cung cấp con giống cho 10 tỉnh, thành phía Bắc, thậm chí cả một số tỉnh phía Nam. Đáng lo ngại là hiện dịch cúm gia cầm đang có xu hướng bùng phát trở lại các tỉnh phía Bắc. Hơn nữa, hiện nay đã phát hiện một nhóm virus H5N1 tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 nhưng lại có sự khác biệt so với chủng virus cùng loại năm 2011. Theo nhận định của Cục Thú y, rất có thể đây là chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam và vẫn chưa có vaccine phù hợp để đặc trị.

Rõ ràng, nếu không kiểm soát tốt gia cầm giống nhập lậu vào nước ta, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nguy cơ rất lớn về dịch bệnh và đầu ra cho sản phẩm trong nước. Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh tới huyện, xã. Đặc biệt, thủ đoạn của bọn nhập lậu rất tinh vi, thường xuyên thay đổi biển số xe để qua mặt lực lượng chức năng. Do đó, cần thiết phải có lực lượng công an vào cuộc.

Ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị Nhà nước nên có quy chế thưởng, phạt rõ ràng trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu để khuyến khích các đơn vị, địa phương vào cuộc.
 
Việc nhập lậu gia cầm giống hầu như chỉ tập trung vào một vài đầu nậu, chắc chắn chính quyền địa phương nắm được những đầu nậu này. Do đó, việc nên làm trước tiên cần vận động, giáo dục các đối tượng này để ngăn chặn nhập lậu giống gia cầm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần