Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát hay níu giữ quyền lực?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Chính phủ, cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP tương đương 62,2%, nợ của Chính phủ ở mức 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 14,9% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với 14 năm trước. Có lẽ từ những con số “khủng” này mà nợ công đã trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết.

 Ảnh minh họa

Nguyên nhân nợ công tăng cao là do điều hành, do chi tiêu nhiều, thiếu kế hoạch trong khi tăng trưởng không đạt dự báo… đó là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều. Và một câu chuyện vẫn nóng, vẫn mới tại nhiều kỳ thảo luận là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công.

Tại phiên thảo luận về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) mới đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, đang có sự chồng chéo trong việc quản lý Nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi giữa Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các cơ quan này đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.

Tuy nhiên, đề xuất này nhanh chóng “phá sản” bởi những “phản biện” từ Bộ KH&ĐT và NHNN. Lý lẽ mà đại diện Bộ KH&ĐT đưa ra là quy định như hiện tại phù hợp với thể chế Việt Nam hiện nay và sự thay đổi sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn là nếu thay đổi, không kiểm soát quyền lực thì sẽ có vấn đề và “quy định mới chắc gì đã tốt hơn”- theo Bộ KH&ĐT.

Thực tế, những lý lẽ này có vẻ không hợp lý. Quản lý nợ công từ trước đến nay vẫn được coi là chồng chéo. Và “chắc gì đã tốt hơn” không có nghĩa là xấu hơn. Câu chuyện Bộ KH&ĐT lo tập trung quyền lực hay cố níu giữ quyền lực có lẽ chỉ có Bộ này mới hiểu.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, 40 năm qua, cơ quan này đã làm rất tốt phần việc của mình, đang có kinh nghiệm và đang được các nước đánh giá cao. Tuy nhiên, từ câu chuyện thực tế khi đi giám sát của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại có vẻ không như vậy. Theo ông Phùng Quốc Hiển, khi thực hiện giám sát, ông từng đặt câu hỏi NHNN về nợ công và câu trả lời ông nhận được là, “chúng tôi chỉ biết được giao đi đàm phán, ký kết còn hiệu quả thế nào thì không biết. Hoặc dự án đầu tư thì chúng tôi cũng chỉ biết mức độ, quy trình thế nào thì không biết”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho hay, thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Thực tế thông lệ quốc tế đã chứng minh việc tập trung quản lý vào một đầu mối là hiệu quả, nhưng tại sao Việt Nam không thay đổi? Nếu Bộ nào cũng muốn “ôm”, muốn “giữ” để cùng quản lý nợ công thì khó tránh khỏi tình trạng cả nể, Bộ này nhìn Bộ kia và cuối cùng, vẫn cứ việc ai người ấy làm.

Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện “ai quản lý nợ công” được đưa ra tranh luận. Hơn 3 nhiệm kỳ Quốc hội đều bàn và cuối cùng vẫn giữ nguyên, vì những lý do như để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, vì không gây xáo trộn tổ chức, bộ máy… Có lẽ đã đến lúc, tư duy cả nể, giữ ý nhìn nhau nên chấm dứt để có những thay đổi trong công tác quản lý nợ công. Tập trung quyền lực hay không nằm ở cơ chế giám sát, ở hiệu quả quản lý chứ không phải ở việc phải phân bổ ra nhiều cơ quan và vẫn việc ai nấy làm.