Kiểm soát nguồn lây dịch Covid-19: Đừng “ngăn sông cấm chợ”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đảm bảo kiểm soát nguồn lây dịch Covid-19 nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh. Quan điểm này được Chính phủ liên tục nhấn mạnh trong các văn bản, chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tế trong những ngày qua, một số địa phương vẫn kiểm soát “quá tay”, thậm chí có những biện pháp cứng nhắc đến mức cực đoan gây phản ứng trong dư luận.

 Đồng Nai thực hiện cách ly y tế 1 khu vực thuộc phường Quang Vinh tháng 8/2020. Ảnh: Hồng Mỹ
Lần bùng phát trở lại của dịch Covid-19 này là biến chủng virus độc lực mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, bởi thế khi địa phương hoặc địa bàn lân cận, liên quan xuất hiện ca mắc, lập tức các giải pháp phòng bị được khởi động. Đó là một phản ứng rất cần thiết. Song thực tế, một số địa phương đã lo lắng, thậm chí "lo đến mất bình tĩnh", đưa ra những giải pháp mạnh đến cứng nhắc. Như vừa qua, khi dịch xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều tỉnh, thành lân cận đã ra quyết định yêu cầu người về hoặc đến từ TP Hồ Chí Minh phải cách ly 21 ngày. Điều đáng nói là trong đó có nhiều địa phương là nơi người lao động phải ra vào hàng ngày, tạo ra lo lắng sự thiếu hụt lao động. Thậm chí, nhiều người là chuyên gia, cũng không thể di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến các địa bàn làm việc… gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Cùng với đó, không ít nơi khác đang thực hiện quyết định phòng chống dịch quá chặt chẽ như người từ nơi khác đến, xe chở hàng hóa muốn ra vào tỉnh phải xuất trình được giấy xét nghiệm, giấy chứng nhận... Kiểu quản lý mang tính “ngăn sông cấm chợ” đã khiến có địa phương phải “kêu cứu” lên Chính phủ để hàng hóa, nông sản được lưu thông. Bởi những biện pháp cứng nhắc, cực đoan ấy đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Điều đáng nói, việc mỗi địa phương tự ý đưa ra những quyết định của riêng mình, với những biện pháp phòng, chống dịch khác nhau, đang khiến DN, người dân phân tâm, khó áp dụng, chưa nói là gây khó cho chính các địa phương ban hành.

Có thể thấy rằng, những giải pháp, cách làm ấy đều thể hiện sự lo lắng trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, mong muốn kiểm soát được triệt để nhất việc đi lại, cách ly để phòng ngừa. Nhưng việc làm quá tay đã vô tình tạo nên tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, khiến nhiều người dân thêm tâm lý bất an, lo lắng. Trước thực tế ấy, ngày 5/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phải tiếp tục có công điện yêu cầu các tỉnh, TP cần trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để áp dụng các biện pháp, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Rất đáng mừng, một số địa phương đã nhanh chóng điều chỉnh quy định phòng dịch sau những quyết định bị phản ứng. Qua đó mới cho thấy, việc lựa chọn phương án phòng dịch thế nào rất cần người đứng đầu địa phương vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, nhất là việc phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Cần tránh cho được cả 2 khuynh hướng là chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch và hoang mang, lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh khi có dịch, dẫn đến việc đưa ra các quyết định gây tác động không tốt đến xã hội.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nêu rõ, “trong chống dịch chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội”. Phòng chống dịch cần sự chung tay của tất cả cộng đồng, không phải của riêng một địa bàn nào, chính vì thế, không thể chọn cách dễ nhất cho mình mà gây khó cho người khác. Hơn thế nữa, trong khi dịch còn đang phức tạp, việc song hành với phát triển kinh tế là không thể thiếu, để đảm bảo đủ nguồn lực duy trì “cuộc chiến”. Nơi nào có dịch thì khoanh vùng thật chặt để kiểm soát, nơi nào không bị ảnh hưởng thì làm ăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, quan điểm ấy cần được hiểu đúng để thực hiện hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần