Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu, hoạt động kiểm soát TTHC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với các biện pháp và cách thức thích hợp; bảo đảm một TTHC được thực hiện là cần thiết, hợp lý, hợp pháp, với chi phí thực hiện là thấp nhất nhưng lợi ích đạt được là cao nhất. Bên cạnh đó, phải thực hiện triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả, từ việc cho ý kiến kiểm soát TTHC, thẩm định quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát việc trình công bố TTHC đến việc rà soát, đánh giá TTHC, kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC của cơ quan, chủ thể có thẩm quyền.
Nội dung thực hiện gồm 2 phần: Thứ nhất, công tác xây dựng văn bản để bảo đảm thực hiện việc kiểm soát TTHC, gồm xây dựng, ban hành các kế hoạch năm trên địa bàn TP Hà Nội: Kế hoạch kiểm soát TTHC, kế hoạch rà soát đánh giá TTHC, kế hoạch thông tin tuyên truyền về kiểm soát TTHC và kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ TTHC quy định trong dự thảo văn bản quy phạp pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND TP Hà Nội do các sở, ngành, đơn vị thuộc UBND TP chủ trì soạn thảo; xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC đối với các TTHC trên một số lĩnh vực đang thực hiện trên địa bàn TP; kiểm soát TTHC đối với dự thảo quyết định công bố TTHC do sở, ban, ngành trình Chủ tịch UBND TP công bố theo thẩm quyền; thực hiện việc kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định của Chính phủ và của UBND TP; thực hiện đối thoại với tổ chức, người dân về TTHC.
UBND TP yêu cầu việc xây dựng các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát TTHC phải hoàn thành trước 31/12/2015. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định công bố TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ và trình Chủ tịch UBND TP quyết định công bố theo quy định của pháp luật (thường xuyên). Các đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá TTHC phảo bảo đảm chính xác, khách quan, có phương án đơn giản hóa TTHC tối ưu (theo kế hoạch).
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, UBND TP cũng chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện đối thoại với tổ chức, người dân về TTHC theo kế hoạch của UBND TP triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC.
UBND TP Hà Nội giao Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành thuộc TP và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chỉ đạo việc kiểm soát TTHC trong cơ quan, ngành mình và có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC có liên quan đến ngành, cấp mình, bảo đảm việc kiểm soát TTHC thông suốt, hiệu quả.
TP cũng giao các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định công bố TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ gửi lấy ý kiến của Sở Tư pháp và trình Chủ tịch UBND TP quyết định công bố theo quy định của pháp luật. Các đơn vị cũng cần tổ chức đánh giá tác động của TTHC quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND TP, đồng thời thực hiện việc rà soát đánh giá TTHC đúng tiến độ, nội dung theo kế hoạch của UBND TP.
Sở Tư pháp Hà Nội là cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát TTHC theo kế hoạch này, thực hiện cho ý kiến thẩm định, đánh giá chất lượng. UBND TP sẽ quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC tại một số sở, ban, ngành.