Kinhtedothi - Ngày 8/3, tại Phiên họp thứ 46, sau khi thảo luận, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT), quy định, vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng QLTT.
Theo đó, lực lượng QLTT được kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra; thanh tra chuyên ngành; xử lý vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.
Lực lượng này còn được quyền thu thập tài liệu, vật chứng, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng QLTT.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lực lượng QLTT phải tăng cường xây dựng trước yêu cầu của đất nước, vừa làm tốt cả chức năng chống gian lận, hàng độc hại, vừa đem lại an toàn cho người dân. Lấy ví dụ từ các lần chất vấn đề vấn đề ATTP, “ông nông nghiệp bảo chỉ lo ở cánh đồng thôi, còn hàng hóa đó chạy vào chợ thì lại là của QLTT, nhưng lực lượng chức năng muốn xem con gà đó có ăn cái này, cái kia không thì lại quay về ông nông nghiệp. Rất cắt khúc” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét và cho rằng, hiện có rất nhiều luật liên quan nhưng tình hình vẫn thế; nhiều lực lượng nhưng không mạnh. Đồng thời lưu ý, lĩnh vực này phạm vi rất rộng, tiến tới phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Khi nâng lên thành Luật thì QLTT như người bấm nút đèn xanh, đèn đỏ, ai đi qua đều phải tuân thủ. Ví dụ, thức ăn hay sản phẩm này làm ra có hàm lượng bao nhiêu?, độc hại không, cứ theo quy định của Bộ Y tế mà kiểm soát, trái với quy định của Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNTT thì không cho lưu hành, phải xử lý. Do đó, mọi thứ trên cánh đồng, bàn ăn cũng kiểm soát được vi phạm. Nếu không tiến tới như vậy thì Bộ trưởng Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp đều đổ lỗi cho nhau, dân chịu trận hết. Và vấn đề ATTP, hàng giả diễn ra khiến cho dân phản ánh rất nhiều tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, các quy định trong Pháp lệnh đụng chạm đến quyền tự do sản xuất, kinh doanh của công dân được hiến định. Do đó, đề nghị cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.
Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|