Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát từ cơ sở để nâng cao chất lượng công việc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như chúng ta đều biết, từ trước tới nay thủ tục hành chính là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên khi thực thi mới nảy sinh những khúc mắc còn khi thủ tục còn trên bàn giấy thì dường như không có vấn đề gì.

Là một công dân, qua cuộc sống thường ngày, qua một số việc giao dịch liên quan đến thủ tục hành chính tôi mạn phép đưa ra một số ý kiến sau:

Về phía cơ sở cấp xã, phường:

Mặc dù đã có cơ chế một cửa nhưng khi công dân đến làm việc vẫn gặp nhiều phiền hà, sách nhiễu. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo tôi có những nguyên nhân cơ bản sau: Trình độ cán bộ cấp xã, phường cònchưa đồng đều cả chuyên môn, văn hóa ứng xử. Nên chăng chúng ta nên đưa các đồng chí cán bộ có bằng cấp, trình độ văn hóa được đào tạo cơ bản xuống cơ sở? Tại các cơ quan hành chính công quyền nên có camera để theo dõi quá trình tiếp dân.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn còn nhiều bất cập, phiền hà. Nhiều gia đình có đất do tổ tiên để lại nhưng đến khi làm sổ đỏ thì gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do không nắm đượcquy định của luật, do sự yêu cầu nhiêu khê của cơ quan có thẩm quyền… Để dễ dàng cho dân và cho nhà nước, nên chăng hằng năm cán bộ địa chính các xã có nhiệm vụ phải rà soát lại các thửa đất xen kẹt, tồn đọng trong dân , giúp đỡ dân làm các thủ tục cần thiết. Các trưởng thôn, trưởng khu có trách nhiệm thông báo tình hình đất đai của khu dân cư để xã, phường nắm được. Nếu các khu dân cư nào hàng năm còn tồn đọng số đất chưa có sổ hoặc làm sai mục đích thì địa chính xã đó chịu kỉ luật để tránh trường hợp nhiều cán bộ địa chính xã gây phiền phức cho dân.

Tại các thôn xóm, việc tranh chấp, xô xát, gây gổ, đánh nhau đương nhiên là không tránh khỏi nhưng khi đám xô xát đã vãn hồi thì mới thấy bóng lực lượng trật tự. Vậy đề nghị chính quyền các cấp có quyết định cụ thể về việc khen thưởng hoặc kỉ luật đối với lực lược giữ gìn sự bình yên cho dân chúng tránh để dân chúng nhìn nhận không hay như bấy lâu nay.

Ở các xã ngoại thành Hà Nội vẫn còn hiện tượng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất nhựa, bao bì, lò gạch…hoạt đông giữa khu dân cư. Điều này làm cho dân chúng rất bức xúc. Đã có nhiều cuộc tập trung đông dân trước trụ sở xã, huyện đòi phải giải quyết khiến cho tình hình căng thẳng, gây hậu quả không nhỏ tới kinh tế, an ninh, chính trị. Mặc dù, theo tôi được biết đã có những quy định về việc này nhưng chưa dứt điểm: Huyện yêu cầu xã, giải quyết, xã yêu cầu thôn… cuối cùng sự việc mãi không xong và kết quả người dân gánh chịu.

Nên chăng chúng ta có những quy định chỉ thị trực tiếp cho bên Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện (cơ quan chuyên môn) và công an huyện (Cơ quan công quyền) xử lí trực tiếp: Phạt hành chính thật nặng và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm gương?..

Về lĩnh vực y tế

Hiện nay việc người dân ốm đau, tai nạn phải nhập viện thì điều họ lo sợ nhất là gì? Ngoài việc lo lắng để có kinh phí chữa bệnh họ còn lo bởi các thủ tục nhập viện phiền hà. Người ốm nặng đến bệnh viện phải trải qua rất nhiều khâu mới có thể được khám. Ai “ may mắn” hay phải đi viện thì biết được từng công đoạn khám chữa bệnh, ai “ không may mắn” cả đời mới đi khám bệnh một lần- lại là bệnh nặng thì thật là nguy.

Bệnh viện có phòng tiếp bệnh nhân không? Có đấy nhưng thường là thái độ phục vụ không tốt, không khoa học. Điều này không có ở các phòng khám y cao hay ở các bệnh viện tư. Tại các phòng khám này, người bệnh được tiếp đón rất ân cần, được hướng dẫn cặn kẽ các khâu làm thủ tục khiến cho họ ngay từ đầu đã cảm thấy an tâm phần nào.( Chẳng nhẽ lại theo quan niệm “ Tiền nào của ấy” ư?). Vì vậy tôi đề nghị nên có Quy định rõ ràng đối với các bệnh viện, trung tâm y tế về việc đón tiếp bệnh nhân. Có camera tại các phòng đón tiếp để dễ quản lí và kiểm soát được thái độ của nhân viên y tế; có thưởng phạt rõ ràng.

Về lĩnh vực trật tự giao thông

Trên các nẻo đường ta thường bắt gặp những chiến sĩ áo vàng làm nhiệm vụ bảo đảm an tòan giao thông. Tuy nhiên, để nói về họ, thông thường người ta có những lời lẽ không hay cho lắm. Điều này một phần do người dân không nhận thức được  ý nghĩa sâu xa công việc của nghề cảnh sát giao thông, một phần do sự tắc trách của chính những người trong nghề . Đơn cử: Ta thường thấy các chiến sĩ CSGT bắt phạt người tham gia giao thông mắc lỗi (và cả người không mắc lỗi) , hiện nay có rất nhiều các clip phản ánh về điều đó. Mà ta không thấy mấy khi các chiến sĩ giao thông ân cần hướng dẫn một ai đó do có thể không thuộc đường, không kịp nhìn thấy biển báo, lấn đường do sơ ý… Bên cạnh đó các biển báo nhiều chỗ đặt quá vô lí: Đặt ở chỗ khuất, đặt chồng chéo rất nhiều biển, chữ nhỏ; đặt biển hạn chế tốc độ ở những chỗ ít dân cư, đường rộng để “bẫy” người lưu hành giao thông…

Bên cạnh đó, khi người tham gia giao thông mắc lỗi thì biện pháp xử lí chủ yếu là phạt hành chính. Vì vậy việc tái phạm: Lỗi sau lặp lại lỗi trước là chuyện đương nhiên vì cứ nộp tiền là được đi. Chính vì vậy mà các vụ tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều là điều đương nhiên.

 

Theo tôi, trong biên lai phạt ghi rõ nếu tái phạm lỗi sẽ phạt nặng hơn (Số tiền phạt do cơ quan chức năng quy định). Nếu ai mắc lỗi nhiều lần sẽ yêu cầu học lại luật tại một trung tâm tập trung dành riêng cho những người vi phạm chứ không phải là chỉ cần thi lấy bằng lại như ta vẫn làm.

    

Ngoài ra để đảm bảo đội ngũ CSGT ngày một trong sạch, cơ quan chức năng nên có biện pháp giám sát công việc của chiến sĩ: Trong các máy di động của các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ nên gắn thiết bị quản lí dữ kiện để kiểm tra việc xử lí vụ việc của họ (tất nhiên máy di động đó được dùng cho việc công chứ không phải là máy dùng tổ hợp). Nếu CSGT nào vi phạm, làm tiền với dân phải có chế tài xử phạt nghiêm minh để lấy lại niềm tin cho dân. Và tôi thiết nghĩ một trong những nhiệm vụ mà người CSGT phải làm là có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia giao thông thực hiện đúng luật chứ không phải là lúc nào cũng phạt.

Về việc tuyển chọn nhân sự

Bấy lâu nay ta thường chú trọng bằng cấp. Tuyển người dựa trên bằng cấp; có sự phân biệt giữa bằng chính quy với bằng tại chức. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người do hoàn cảnh nên họ phải học theo đường vòng mà năng lực làm việc đâu có kém ai.Và ngược lại, nhiều người có bằng chính quy, thậm chí có mấy bằng nhưng trong công việc lại thể hiện rõ sự yếu kém. Việc coi trọng bằng cấp đã dẫn đến một số tiêu cực như chạy bằng, mua bằng…và chất lượng công việc vì thế mà đi xuống.

    

Vì vậy, tôi thiết nghĩ, việc tuyển nhân sự trong các cơ quan nhà nước không chỉ dựa vào bằng cấp mà phải dựa vào thực tế công việc mà người thi tuyển thể hiện. Muốn vậy, quá trình thi tuyển công chức phải trải qua các khâu như thi lí thuyết, giao công việc thực hành tại chính cơ quan tuyển dụng để người tuyển dụng trực tiếp sát hạch .Như vậy việc lựa chọn nhân sự mới chính xác được.

    

Trên đây là một số ý kiến nho nhỏ của tôi trước thực tế mà tôi đã chứng kiến. Trong quá trình đổi mới để xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn, rất mong các cấp có thẩm quyền lưu tâm, lựa chọn những ý kiến xác đáng ,thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lịch sử.