Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính gần 23.000 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2013, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 22.821,3 tỷ đồng.

Đây là kết quả từ 150 cuộc kiểm toán được thực hiện tại 34 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, 16 bộ, ngành, 26 dự án đầu tư, chương trình, dự án quốc gia, 32 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp (DN) và các tổ chức tài chính - ngân hàng... Thông tin này được Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cung cấp tại buổi họp Báo cáo Kiểm toán năm 2013 về niên độ ngân sách (NS) năm 2012 ngày 25/7.

Tái diễn thu giảm, chi tăng

Trong gần 23.000 tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính có 4.047 tỷ đồng các khoản tăng thu; giảm chi 5.099,4 tỷ đồng; 2.623,4 tỷ đồng các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NS; 9.985,8 tỷ đồng các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NS và kiến nghị xử lý khác 1.065,7  tỷ đồng.
 Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 5 tại một cơ sở tỉnh Hà Nam.      Ảnh: Phạm Hậu
Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 5 tại một cơ sở tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phạm Hậu
 
Theo ông Cao Tấn Khổng, qua quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NS, KTNN đã có đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong từng khâu của chu trình NS. Tình trạng phổ biến dẫn đến số liệu quyết toán thu không phản ánh đúng thực tế là việc nhiều đối tượng nộp thuế kê khai sai thuế suất; hạch toán thiếu doanh thu, đưa vào chi phí một số khoản không hợp lý… Tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NS tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được nhiều. Không ít Cục Thuế chưa thực hiện đầy đủ và triệt để các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định như Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hưng Yên... Đây là những nguyên nhân chủ quan làm nợ thuế  năm 2012 tăng cao, 12/19 tỉnh hụt thu; năm 2012 có mức nợ thuế trên 50%.
Nhắc lại vụ "sếp nhận lương khủng" tại các DN công ích, ông Vũ Hồng Long - Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực 6 cho biết, KTNN đã kiến nghị thu hồi các khoản chi lương, giảm quỹ lương viên chức quản lý 19,69 tỷ đồng, trong đó, Công ty Thoát nước Đô thị TP Hồ Chí Minh 11,66 tỷ đồng, Công ty Chiếu sáng công cộng 5,84 tỷ đồng, Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn 0,34 tỷ đồng...
Trong bối cảnh thu NS khó khăn nhưng kết quả kiểm toán về chi NS cho thấy, một số bộ, cơ quan T.Ư, địa phương bố trí vốn chưa đúng quy định. "Căn bệnh" đầu tư công tăng, nhiều dự án điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu… được đại diện KTNN chỉ ra nguyên nhân là do phê duyệt quyết toán còn nhiều hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, trượt giá, định mức, biện pháp tổ chức thi công chưa hợp lý, công tác GPMB chậm.Trước nhiều ý kiến thắc mắc về nợ công, đại diện KTNN cho biết, theo Luật Quản lý nợ công, số liệu của Bộ Tài chính công bố cho thấy vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng theo khuyến cáo của  Ủy ban Tài chính - NS của Quốc hội lại chưa yên tâm do con số nợ công hiện nay chưa thống nhất. Do đó, cơ quan này kiến nghị hạn chế bội chi NS, siết chặt kỷ luật tài khóa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Nhiều lãng phí trong khu vực công

Trong số 27 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước được kiểm toán, mặc dù 26 đơn vị kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả hoạt động giảm sút so với năm trước đó. Những căn bệnh trầm kha của các TĐ, TCT dường như vẫn chưa thuyên giảm...

Đại diện KTNN cho biết, 27 DN được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn là 1.609.959 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải thu 177.517 tỷ đồng, chiếm 11,03% tổng tài sản; Hàng tồn kho 108.636 tỷ đồng, chiếm 6,75% tổng tài sản; Nợ phải trả 912.865 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu 645.477,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc quản lý nợ chưa chặt chẽ đã từng được KTNN chỉ ra đến nay vẫn được nhắc lại, như TCT Điện lực Dầu khí là 9.650 tỷ đồng, Công ty mẹ - VNPT 2.314,2 tỷ đồng, TĐ Dệt may Vinatex 101,49 tỷ đồng, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) 325 tỷ đồng... Hệ quả là hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt mức cho phép như Cencio 5 là 9,07 lần, Công ty CP công nghiệp thủy sản  thuộc Seaprodex: 3,2 lần, Công ty mẹ và 3 công ty thuộc TCT Xây dựng Thăng Long từ 7,3 - 17,9 lần, 4/5 công ty thuộc UDIC từ 7,9 - 38,3 lần...

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, hàng chục TĐ, TCT thực hiện nghĩa vụ NS về đất đai chưa đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm các quy định trong mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành từ dự án. Trong khi đó, nhiều DN Nhà nước lại đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn nhưng còn để đất không, sử dụng không đúng mục đích hoặc chưa được sử dụng, bị lấn chiếm tranh chấp như VNPT 25.382m2,  Công ty CP In Hàng không thuộc VNA 900m2, Vinacomin 497m2, ACV Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài 18.881m2...
 
Đáng lẽ giá điện giảm được 120 đồng/kWh
Theo kết quả kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 8.814 tỷ đồng, đã bao gồm xử lý chênh lệch tỷ giá và lỗ những năm trước được kết chuyển vào năm 2012 là 10.482 tỷ đồng. Tuy đã phân bổ như vậy nhưng đến nay, tổng số phải xử lý lỗ là 18.140 tỷ đồng, trong đó có 15.114 tỷ đồng là chênh lệch tỷ giá và 3.026 tỷ đồng là lỗ do kinh doanh. Nếu không tính số lỗ thì giá thành điện năm 2012 sẽ giảm được 2.660 tỷ đồng, và tương ứng với giá thành giảm được là 120 đồng/kWh.