Thời gian gần đây, tình trạng mất nước sinh hoạt tại các thành phố lớn đang diễn ra ngày một nhiều và trở nên khó kiểm soát. Thật không khó để hình dung hình ảnh người dân phải đi “sơ tán” vì mất nước hay thức thâu đêm để chờ nước tại Khu đô thị Định Công ở trung tuần tháng 7 vừa qua. Hoặc mới đây là “nỗi khổ 20 ngày mất nước” của hơn 200 hộ dân sống trong Khu tập thể Trường Cao đẳng Xây dựng (Mộ Lao – Hà Đông) .... Những bất cập này đã dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu nước sinh hoạt và khiến cho việc sử dụng bồn chứa nước trở thành một giải pháp tối ưu.
Những “bom nước” được lắp tràn lan trên nóc chung cư cũ (Ảnh:TL)
|
Tuy nhiên, việc sử dụng bồn chứa nước rộng rãi và phổ biến hiện nay tại các thành phố lớn lại chưa có bất cứ một quy chuẩn kỹ thuật lắp đặt nào. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Sự cố đổ bồn chứa nước tại Trường Tiểu học Xã Diễn Tháp (Diễn Châu – Nghệ An) làm chết hai học sinh và một học sinh bị thương là một ví dụ điển hình.
Tại Hà Nội, việc lắp đặt bồn chứa nước tràn lan trên các khu tập thể cũ như Giảng Võ, Nam Thành Công, Kim Liên…đã lâu ngày cũng đang khiến cho nhiều người dân hoang mang, bởi “bom nước” có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, ổn định đối với kết cấu đỡ bồn chứa nước và mỹ quan đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, đánh giá an toàn và ổn định kết cấu bồn chứa nước. Theo đó, yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường phải rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với kết cấu đỡ bồn chứa nước; điều chỉnh bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Viện Khoa học công nghệ xây dựng sẽ có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp khắc phục, xử lý tình trạng bất cập trong thực tế của loại kết cấu này.
Với vai trò chủ trì, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị nêu trên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, ổn định của các loại kết cấu đỡ bồn chứa nước hiện nay và lập báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước ngày 30/10.