Đặc biệt những hôm có gió, kiến ba khoang xuất hiện dày đặc, bò khắp tường, lan can tòa nhà, chỗ phơi quần áo, bâu kín các cột đèn neon ngoài sân… Một số gia đình có con nhỏ lo sợ bị kiến đốt đã phải đóng cửa kín mít cả ngày, tắt đèn sớm hoặc gửi con sang nhà người thân ở tạm.
Đây cũng là loài côn trùng đang tấn công người dân ở TPHCM và Huế mà báo chí phản ánh thời gian vừa qua.
TS. Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, kiến 3 khoang thường sống ở các ruộng lúa. Thời điểm này các cánh đồng ở Hà Nội đã thu gặt mùa nên kiến theo gió bay vào những khu dân cư ven cánh đồng. Loại sinh vật này có đặc điểm thích ánh sáng đèn nên ánh sáng trong các khu chung cư đã thu hút chúng đến đông hơn. Người bị kiến đốt thường bị sưng, phù, dị ứng, rộp da, có mụn nước, nhất là với trẻ em.
TS. Phạm Thị Khoa phân tích đặc điểm kiến ba khoang. Ảnh: VNE
Đặc điểm nữa là loài kiến này rất khó diệt, ngay cả phun hóa chất cũng không chết (vì có cấu tạo đặc biệt, hệ thống lỗ thở dọc theo các đốt nên khi phun hóa chất, các lỗ thở trên thân kiến đóng lại không thở nữa).
"Nói kiến ba khoang đốt là không hoàn toàn chính xác. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ. Đây không phải là loại mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng. Những người dân bị đốt thường sống ở khu vực ngoại thành, gần cánh đồng”, tiến sĩ Khoa nói.
Lý giải vì sao gần đây nhiều người dân bị đốt, ngứa viêm loét da, tiến sĩ Khoa cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, không chỉ là kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể vì kiến ba khoang ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), vì thế số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.
Đặc điểm của côn trùng là thích ánh sáng xanh nên kiến ba khoang thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Nhiều người bị kích ứng da do kiến khoang, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, đặc biệt nếu dính vào mắt có thể gây bỏng mắt, mù tạm thời.
Vì thế, theo tiến sĩ Khoa, để phòng tránh gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vào mùa côn trùng phát triển (tháng 3, 4, 5 và 8, 9, 10) trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng, nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh. Khi bị kiến ba khoang đốt, rửa sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt…
Ngoài ra, ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng.