Kiên Giang: Triển khai thực hiện Cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

HỒNG LĨNH – THU NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện “Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/7/2018, tỉnh Kiên Giang triển khai các giải pháp đồng bộ, từ chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng đến các chính sách ư đãi khác, với cam kết hỗ trợ cho các DN theo quy định của pháp luật.

Sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho DN
Ông Nguyễn Thống Nhất – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cho biết: Đối với chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 236/2019/NQ-HĐND ngày 26/7/2019, quy định chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Theo đó nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh chi thường xuyên hàng năm cho ngành nông nghiệp.
 
Riêng đối với hỗ trợ đầu tư cơ sở như: Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính rà soát, cân đối từ nguồn vốn đầu tư công. Sau khi cân đối, sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cam kết hỗ trợ cho các DN theo quy định của pháp luật.

Các lĩnh vực khác như: miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, liên hệ cơ quan quản lý thuế, quản lý đất đai để được xem xét. Đối với hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… thực hiện từ cân đối nguồn vốn sự nghiệp, liên hệ cơ quan tài chính để được hướng dẫn thực hiện.

Định mức, thủ tục hồ sơ hỗ trợ, …. thực hiện theo quy định Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đối tượng khuyến khích đầu tư là ai?

Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP nói trên, đối tượng nhận ưu đãi và hỗ trợ là DN được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật DN và có dự án đầu tư: (1)Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư; (2)Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư; (3)Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại vùng nông thôn, không thuộc địa bàn đã quy định theo loại Dự án (1) và (2).
 
Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ

DN có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được xem xét nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tập trung đất đai; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Danh mục những ngành nghề ưu đãi:

1. Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

2. Đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Xây dựng cánh đồng lớn.

3. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản tập trung.

4. Sản xuất, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.

6. Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

7. Sản xuất, tinh chế muối.

8. Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học.

9. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu.

10. Sản xuất bột giấy, giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản.

11. Sản xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

12. Sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống.

13. Đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

14. Đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp.

15. Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề.

16. Đầu tư chợ ở vùng nông thôn; đầu tư nhà ở cho người lao động ở vùng nông thôn.

17. Sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm.

18. Dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y ở vùng nông thôn.

19. Dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, thủy sản và nghề muối ở vùng nông thôn.

Ảnh (Hồng Lĩnh): 1/ Doanh nghiệp đầu tư vào xuất nông nghiệp sẽ được ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ

2/ Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khảo sát mô hình cánh đồng lớn của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại huyện Hòn Đất

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần