Kiên Giang ứng phó dịch Covid-19 ra sao nếu Campuchia bị “vỡ trận”?

HỒNG LĨNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Campchia. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều phương án để ứng phó… nếu Campuchia bị “vỡ trận”.

Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho  biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia đang diễn biến hết sức phức tạp vì thế tỉnh đã xây dựng kịch bản xấu nhất để ứng phó, mà theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế là phải đầu tư cơ sở vật chất và trang bị cao nhất để chủ động ứng phó.
Hiện nay tỉnh Kiên Giang có 128 tổ, chốt với hơn 1.000 chiến sĩ trực và luân phiên

Theo đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện, cần cưỡng chế đưa đi cách ly ngay để không lây nhiễm ra cộng đồng đó là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương hiện nay”.
Trong kịch bản của tỉnh, trong trường hợp những ngày tới nếu Campuchia chính thức bị “vỡ trận” và lệnh phong tỏa không còn tác dụng nữa thì sẽ nhiều người Việt tìm cách về nước nên phải có các bước chuẩn bị. Đây cũng là lý do Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý cho Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300 - 500 giường bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bệnh viện dã chiến phải được hoạt động trong thời gian dài. Do đó, sau chuyến khảo sát, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp Kiên Giang điều chỉnh về thiết kế bệnh viện dã chiến sát với thực tế, đảm bảo đúng quy định.
Kịch bản thứ 2 là nâng cao công tác điều trị đối với bệnh nhân nặng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho thành lập phòng hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên với số lượng 10 giường bệnh và được trang bị kỹ thuật công nghệ cao như chạy thận nhân tạo, cắt mô.
Thứ 3 là nâng cao năng lực xét nghiệm thì Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho TP Hà Tiên về công tác tập huấn và cả máy móc thiết bị theo hướng từ bị động sang chủ động tầm soát. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ test nhanh để phát hiện sớm và tránh bùng phát thành dịch.
 Các chiến sĩ luôn có mặt tại những điểm nóng để phòng, chống dịch
“Việc kế tiếp là đầu tư mở rộng các khu cách ly tại khu vực TP Hà Tiên vì hiện nay mỗi ngày có hơn 10 người nhập cảnh qua cửa khẩu. Trước mắt, trong vòng 10 ngày tới, phòng hồi sức cấp cứu phải được thành lập xong. Trong khi đó, bệnh viện dã chiến chưa biết sẽ hoàn thành khi nào như trên tinh thần càng sớm càng tốt. Hiện các đơn vị cũng đã khẩn trương thực hiện 2 khu rác thải và nước thải trong khu bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến còn nhiều việc phải làm như hệ thống phần mềm kết nối trung tâm quốc gia. Nhân viên y tế là nguồn tại chỗ với sự một số chuyên gia cho khâu điều trị và phòng dịch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.
Kiên Giang có khoảng 56 km đường bộ tiếp giáp với Campuchia, nhưng khó khăn nhất hiện nay của Kiên Giang vẫn là đường biển vì có chiều dài lên đến hơn 200 km và 63.000 km2 diện tích mặt nước biển. Trong đó nhiều vùng nước lịch sử chưa phân định được nên hàng ngày có hàng ngàn tàu cá của hai nước hoạt động từ khai thác hải sản. Chưa kể khu vực lân cận thì người dân qua lại thường xuyên. Hiện nay tỉnh có 128 tổ, chốt với hơn 1.000 chiến sĩ trực và luân phiên. Ngoài ra, trên biển còn có lực lượng tuần tra gồm Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, Cảnh sát biển… 
“Chúng tôi đang kiến nghị với Bộ Y tế hỗ trợ thêm như 40 máy thở, máy chẩn đoán SARS – CoV – 2 cho TP Hà Tiên… Bên cạnh đó, nếu không có gì thay đổi, ngày 9/5 Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới của tỉnh Kiên Giang sẽ khánh thành. Sau khi di dời xong thì Bệnh viện Đa khoa cũ sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến nếu tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp hơn”, ông Hà Văn Phúc – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần