Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN dự án BOT: Khó chấp nhận

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thoạt nghe ai cũng nghĩ đây là điều bình thường. Nhưng mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cái cách “kêu cứu” cho các DN dự án BOT kia lại động chạm trực tiếp đến quyền lợi và sự sống còn của rất nhiều DN vừa phải chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

 Ảnh: Phạm Hùng
Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT lại đề nghị cho tăng phí BOT với lý do, các dự án BOT bị sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19, điều này làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án. Thậm chí, Bộ GTVT còn lên sẵn 2 kịch bản tăng phí BOT. Phương án thứ nhất, tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án và không quên “xin” luôn quyền được lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Phương án thứ hai, tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022 nhưng Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT lên tiếng “đòi” tăng phí BOT. Trước đó, vào năm 2019, cũng với lý do doanh thu các trạm BOT bị sụt giảm làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, Bộ này đưa ra đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT trên cả nước. Đương nhiên, một lý do khác Bộ GTVT bắt buộc phải vin vào để bảo vệ cho đề xuất của chính mình là chiếu theo điều khoản đã ký kết của các hợp đồng BOT để tăng phí theo lộ trình. Cụ thể, năm 2018 tăng phí 2 dự án; năm 2019 tăng phí 35 dự án; năm 2020 tăng phí 10 dự án; năm 2021 tăng phí 2 dự án; các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021. Tuy nhiên lần này, dù nội dung đề xuất vẫn là tăng phí theo hợp đồng dự án, nhưng lý do mà Bộ GTVT đưa ra, thoạt đầu nghe thì rất hợp lý nhưng càng ngẫm càng thể hiện sự cục bộ và phân biệt đối xử.
Cục bộ là bởi đề nghị của Bộ GTVT mới chỉ quan tâm đến lợi ích của “người nhà” - những DN đầu tư BOT trong khi bỏ quên lợi ích của cộng đồng DN; của hàng chục triệu người dân vừa trải qua “cơn bão” Covid-19 cũng thiệt thòi, khốn khổ đủ đường. Việc tăng phí BOT để giải cứu các DN này theo cái cách mà Bộ GTVT nói chính là trực tiếp móc thêm vào túi tiền của những người dân khác. Điều nực cười ở chỗ, khi đưa ra phương án hai, Bộ GTVT lồng vào một điều kiện là Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký nếu giữ nguyên mức phí như hiện tại. Còn với phương án một, cho phép Bộ GTVT được quyền lựa chọn thời điểm tăng phí thì Nhà nước không phải bố trí bất cứ khoản tiền nào. Cái cách đặt vấn đề kiểu nước đôi như thế chẳng khác nào Bộ GTVT đòi tiền hỗ trợ cho DN đầu tư BOT, mà số tiến đó hoặc là Nhà nước phải bỏ ra, hoặc để Bộ GTVT tăng phí rồi lấy nó từ chính túi của người dân, của các DN vận tải.
Trong diễn biến mới nhất, ngay khi biết việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã lên tiếng cho rằng đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này không phù hợp. Cũng cần thấy rằng, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tới nay, rất nhiều lần DN vận tải đề xuất giảm phí BOT nhưng Bộ GTVT đều lờ đi với lý do, DN đầu tư BOT cũng bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Rồi đùng một cái, Bộ GTVT đòi tăng phí BOT để hỗ trợ các DN đầu tư BOT. Sự phân biệt đối xử này thật khó chấp nhận được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần