Kinhtedothi - Sự phối hợp giữa Thanh tra xây dựng với chính quyền cấp huyện, cấp xã trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các khu đô thị không tốt, không kịp thời để một số chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng dẫn đến khó xử lý và gây tốn kém - đó là một trong những kết luận được Ban Pháp chế HĐND TP chỉ ra qua đợt tái giám sát việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Nhiều vi phạm chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời
Kết quả giám sát cho thấy, so với cùng kỳ năm 2014, số công trình xây dựng được kiểm tra năm nay tăng 37%, trong đó tỷ lệ công trình vi phạm là 12% (giảm 4%); số quyết định xử phạt hành chính tăng 316%; số tiền phạt vi phạm hành chính tăng 385%; số vụ vi phạm nghiêm trọng, phức tạp đã được kiềm chế và giảm dần… Tuy nhiên, vi phạm xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn nhiều, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời (thống kê của Sở Xây dựng đến ngày 24/11/2015 là 849 trường hợp, chiếm 42,4% số công trình vi phạm). Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng về quy hoạch, chuyển nhượng dự án trái phép, chuyển đổi chủ đầu tư, mật độ xây dựng, vi phạm chiều cao công trình xảy ra ở nhiều dự án, gây bức xúc trong dư luận như: Dự án Khu đô thị Mỗ Lao; Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc; Dự án Thăng Long Garden 250 Minh Khai; Dự án Tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng 88 Láng Hạ; dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh; các công trình xây dựng trái phép trong Công viên Tuổi trẻ… đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Cùng với đó, tiến độ xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước năm 2005 theo đánh giá còn chậm, khi còn tồn 166 công trình tại 7 quận (trong năm 2015 mới xử lý được 8 trường hợp). Việc lập quy hoạch chi tiết, thiết kế kiến trúc hai bên tuyến đường đồng bộ với công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư được coi là một giải pháp hạn chế công trình “siêu mỏng, siêu méo” nhưng trong tổng số 26 đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường dự kiến thực hiện trong năm 2015, đến nay, mới đang hoàn thiện 2 tuyến để trình phê duyệt. Ngoài những lý do khách quan, Ban Pháp chế nhấn mạnh đến việc nhiều trường hợp vi phạm sau khi được báo chí nêu hoặc người dân có khiếu kiện, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới kiểm tra và tiến hành xử lý (vi phạm tại 250 Minh Khai, 8B Lê Trực, 88 Láng Hạ, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô…)
Tăng cường thanh, kiểm tra
Ngoài việc xử lý dứt điểm những vi phạm tồn đọng, Ban Pháp chế kiến nghị TP cần nghiên cứu, thành lập các tổ công tác liên ngành của TP để kiểm tra, tổng rà soát tất cả các dự án đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, tổng hợp phân loại vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án, đảm bảo quy định của pháp luật và quyền lợi của các hộ dân, không để phát sinh thêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời vi phạm trật tự xây dựng của các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư dự án, xem xét xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các cán bộ có biểu hiện tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn...