Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị Quốc hội đưa ra Nghị quyết về cổ phần hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu là cần thiết nhưng chưa đúng hướng. Tái cơ cấu chưa đặt trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp thế nào, công nghiệp hỗ trợ thế nào.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ khi thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, trước vận hội mới của đất nước, năm 2015 các DN cần phải tái cơ cấu để thích ứng. Đó là tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 6%, nhưng xuất khẩu không dễ dàng để đạt được mức tăng trưởng 10% bởi giá dầu thô đã giảm, xuất khẩu sang một số nước trong đó có Nga gặp khó; sức cầu của nền kinh tế còn yếu.

Ngoài ra, năm 2015, một loạt các luật sửa đổi bổ sung có hiệu lực như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi; Luật đầu tư; Luật nhà ở (cho phép người nước ngoài được mua nhà – tạo ra sự bình đẳng); Thông tư 36/2014/TT-NHNN xử lý các vấn đề sở hữu chéo ở ngân hàng; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy mạnh hơn; Thông tư 18/2014/TT-BTP hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản, có thể cho phép VAMC có nhiều quyền hạn hơn để giải quyết nợ xấu. 

 
Kiến nghị Quốc hội đưa ra Nghị quyết về cổ phần hóa - Ảnh 1
 Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An).
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về những vấn đề cấp thiết cần đổi mới cho rằng, mục tiêu phải cổ phần hóa 432 DN vẫn còn xa vời. Chậm trễ trong cổ phần hóa có nguyên nhân khách quan là khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta, thị trường tài chính khó khăn, thị trường chứng khoán giảm sút, sức mua cổ phần thấp, nguồn cung dường như vượt quá năng lực hấp thụ của thị trường…

Tuy nhiên vấn đề được vị chuyên gia khẳng định rất quan trọng để quyết định cổ phần hóa phải quyết liệt đó là, Quốc hội cần đưa ra một nghị Quyết về việc cổ phần hoá. Theo ông Mão,  phải coi cổ phần hóa trong năm 2015 và năm tiếp theo là trọng điểm, trong đó vai trò của Quốc hội đặc biệt quan trọng là cơ quan cao nhất.

“Tôi mong muốn, Quốc hội cần có nội dung về việc bàn đến văn bản pháp luật trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Hiện chúng ta đặt mục tiêu thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhưng Quốc hội ban hành văn bản mà mới chỉ có vài ba nghị định của Chính phủ. Việc cổ phần hoá động chạm đến một loạt tập đoàn, tổng công ty. Một tập đoàn, vốn có thể lên tới hàng chục tỷ đôla. Nghị quyết Quốc hội quy định, những công trình 1,5 tỷ đôla là phải trình Quốc hội phải xem xét thông qua. Việc cổ phần hoá một doanh nghiệp vài chục tỷ đôla mà Quốc hội không biết, không bàn thì sẽ rất thiếu”, ông Mão kiến nghị.

Theo các chuyên gia, phải thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thể chế đồng thời nhấn mạnh phải bổ sung cả chống tham nhũng. “Tham nhũng bị xem nhẹ, trong báo cáo tham luận tại diễn đàn vẫn nói rất nhẹ về tham nhũng mà đây là những vấn đề rất lớn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

 Theo các chuyên gia, cần có biện pháp mạnh tay tránh việc vơ vét lợi ích nhóm và đua đầu tư ngoài ngành. Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước phải công khai hơn, minh bạch hơn để xã hội cộng đồng có thể theo dõi tiến trình đó. Nếu không công khai thì kết quả sẽ không đạt được như mục tiêu đề ra.