Ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh kiến nghị tại Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo Cao đẳng (CĐ) và Trung cấp (TC) y, dược được tổ chức tại Trường TC Y, dược Lê Hữu Trác, sáng 15/9. Theo ông Sáng, mặc dù thông tư liên tịch 26, 27 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định năm 2018 mới ngưng tuyển sinh trung cấp y, dược nhưng từ năm 2016 nó đã tác động đến các trường. "Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành văn bản quá vội vàng, không lắng nghe ý kiến của chính đối tượng bị tác động"- ông Sáng bức xúc.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Lương Quang Ngọc - Hiệu trưởng TC Bến Thành TP Hồ Chí Minh cho biết, đứng trước sự mất còn, 16 trường TC chuyên nghiệp y, dược ở TP Hồ Chí Minh đã gửi đơn kiến nghị gửi đến các Ủy của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh với 3 nội dung. Trong đó, kiến nghị Bộ Y tế cần sửa đổi lại và trước hết là tạm ngừng chưa thực hiện Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV để phù hợp với tình hình thực tế, nhất là khi Bộ GD&ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia. 16 trường TC kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét đổi tên TC chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với quy chuẩn của quốc tế. Hiện nay, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý yêu cầu trình độ tối thiểu là CĐ trở lên. Nói về thời gian đào tạo, ông Phạm Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Y dược Tuệ Tĩnh cho biết: Trước năm 2005, các trường TC đào tạo đội ngũ y, dược 3 năm ra trường làm việc có tay nghề rất giỏi. Nhưng, khi Luật Giáo dục ra đời, thời gian rút xuống còn 2 năm. Bây giờ Bộ Y tế nói đào tạo 3 năm theo chuẩn chung của Asean, thì chúng tôi đề nghị bỏ chữ TC và coi như đào tạo trình độ CĐ 3 năm cho phù hợp. Nhưng trước hết, phải có điều tra, so sánh trình độ đào tạo 3 năm của các trường CĐ trong khối Asean cao hơn bao nhiêu về kiến thức, thực hành để có điều chỉnh cho phù hợp. Tại hội thảo này lãnh đạo nhiều trường không đồng tình với việc Bộ LĐTB&XH quản lý Nhà nước các trường TC, CĐ đào tạo các ngành về sức khỏe. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nêu rõ nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Vì thế, hiệu trưởng nhiều trường TC và CĐ y, dược cho rằng khi họ hòa vào dòng chảy do Bộ LĐTB&XH quản lý thì rất khó có sự liên thông trong giáo dục. Nhiều hiệu trưởng tỏ ra không hài lòng khi các trường sư phạm được Bộ GD&ĐT quản lý, trong khi những trường TC, CĐ y dược lại thuộc Bộ LĐTB&XH. Thầy thuốc và thầy giáo đều là nghề cao quý vì thế bà Trần Lệ Hằng - Hiệu trưởng Trường TC Y dược Vạn Hạnh mong mốn: "Các trường TC, CĐ nên để Bộ GD&ĐT quản lý để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học liên thông. Không nên quy định các trường TC, CĐ y dược ngưng tuyển sinh từ năm 2018 và không sử dụng lao động học hệ này ra vào năm 2021 vì thực sự xã hội vẫn có nhu cầu". Đồng tình với ý kiến bà Lệ Hằng, ông Phan Văn Các - Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Y dược Hà Nội có quan điểm: Tất cả những gì cần đào tạo thì do Bộ GD&ĐT quản lý; còn Bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ sử dụng lực lượng của Bộ GD&ĐT ra".