Đưa hiện vật vào đền... không xin phép
Sáng 3/3, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và một số cán bộ chuyên môn của Sở VHTT&DL Hà Nội đã có cuộc làm việc, kiểm tra hiện trạng hiện vật tại đền Phù Đổng. Tại buổi làm việc, ông Đinh Minh Tỉnh - Phó Ban Quản lý (BQL) đền Phù Đổng thừa nhận: "Đúng ngày 19/9 năm Quý Tỵ (năm 2013), các hiện vật gồm: Ngựa, áo giáp và roi sắt được đưa vào đền Phù Đổng. Các hiện vật này do một số doanh nghiệp cung tiến để cầu mong cho quốc thái dân an". Ông Tỉnh cũng khẳng định các doanh nghiệp cung tiến hiện vật đã làm đơn xin phép với Trưởng BQL di tích, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Phù Đổng. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa kịp làm đơn xin ý kiến của Bộ VHTT&DL, UBND huyện Gia Lâm và những đơn vị trực tiếp quản lý di tích.
Tiếp nhận hiện vật sai quy định tại đền Phù Đổng.
|
Hiện nay, có nhiều ý kiến về góc độ mỹ thuật cũng như xuất xứ của ngựa sắt, áp giáp và roi sắt. Có ý kiến cho rằng, nhân vật Thánh Gióng là truyền thuyết lịch sử, nên người đời có thể thỏa sức làm theo tưởng tượng. Hiện vật xuất hiện tại đền Phù Đổng cũng đảm bảo một phần giá trị mỹ thuật, nhưng vị trí đặt hiện vật đã phá vỡ kiến trúc di tích. Chưa kể, ngựa sắt có kích thước cao hơn 3m nên các doanh nghiệp phải dùng máy cẩu để đưa vào di tích. Cho dù, ngày 9/12/2013, di tích đền Phù Đổng mới được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhưng trước đó, đền Phù Đổng là di tích cấp quốc gia nên mọi hiện vật, đồ thờ tự đưa vào di tích đều phải thực hiện đúng theo quy trình của Luật Di sản - có nghĩa là phải có sự đồng ý của Bộ VHTT&DL và UBND huyện Gia Lâm. Chính vì vậy, ngựa sắt, áo giáp và roi sắt xuất hiện tại đền Phù Đổng được xác định là sai quy định, cần phải di chuyển khỏi di tích.
Xử lý đúng luật định
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Với trách nhiệm trực tiếp quản lý, ông Nguyễn Ngọc Thuần đã nhận khuyết điểm khi để xảy ra sai sót tiếp nhận hiện vật sai quy định tại đền Phù Đổng". Song song với việc yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Trưởng BQL và tập thể BQL di tích đền Phù Đổng, báo cáo UBND TP Hà Nội trong tháng 3 này, Sở VHTT&DL cũng yêu cầu UBND huyện Gia Lâm và BQL di tích sớm di dời hiện vật ra khỏi di tích. Hiện nay, UBND huyện Gia Lâm đang xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị khoa học, trình bày sự cần thiết cũng như những thiết kế hợp lý của hiện vật để xin ý kiến các cơ quan chuyên môn tiếp nhận lại các hiện vật này sau khi di dời.
Trước ý kiến lo ngại hiện vật có thể không được di dời ra khỏi di tích, mà được "bôi trơn" bằng các hội nghị lấy ý kiến và đoàng hoàng xuất hiện tại di tích, ông Trương Minh Tiến khẳng định: "Quan điểm của Sở rất trân trọng tấm lòng công đức của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, BQL cần phải tiếp nhận hiện vật theo đúng Luật Di sản. Vì vậy, dứt khoát phải đưa hiện vật ra khỏi di tích. Hiện vật có đủ tiêu chuẩn tiếp nhận lại hay không đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiến hành từng bước: Hội thảo khoa học, xin ý kiến, trưng cầu ý kiến… Sở VHTT&DL sẽ cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện".
Trước đền Phù Đổng, tình trạng tiếp nhận hiện vật không xin phép đã xảy ra ở nhiều di tích được xếp hạng. Thế mới có chuyện, trong quần thể di tích có kiến trúc đời Lý, đời Trần… bỗng dưng xuất hiện những chiếc đèn lồng, chiếc lư… xuất xứ từ Trung Quốc, phá hỏng khung cảnh và không gian cổ kính, đậm nét văn hóa Việt của di tích. Cho dù Luật Di sản đã quy định từ nhiều năm nay, dù rất nhiều lớp tập huấn tìm hiểu Luật, nhiều tài liệu được các cơ quan chức năng in ấn tuyên truyền đến các cá nhân và đơn vị trực tiếp trông coi di tích, song hiện tượng này vẫn xảy ra. Những hành động này, chỉ có thể lý giải rằng một số cá nhân, tổ chức đã và đang cố tình "lách luật" để vi phạm.