Tại phường Vĩnh Hưng, trọng điểm về SXH của quận Hoàng Mai cho thấy, địa phương đã phun thuốc diệt muỗi đạt 90% nhưng còn 10% số hộ dân đi vắng và thói quen trữ nước vẫn là nơi phát sinh ra bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH. Đặc biệt, trong thời gian qua, số bệnh nhân liên tục gia tăng, hiện còn 16 bệnh nhân đang nằm viện, lũy tích từ đầu năm đến nay toàn phường có 134 bệnh nhân mắc SXH. Thống kê toàn quận cho thấy, địa bàn này đã có 888 bệnh nhân bị SXH từ đầu năm đến nay, 189 ổ dịch tại 14/14 phường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. |
Còn tại quận Đống Đa, tính đến nay đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong và trên 1.000 trường hợp mắc SXH, 186 ổ dịch tại 19/21 phường. Nguyên nhân là do thời tiết, môi trường và các khu trọ, các công trường xây dựng là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu chính quyền địa phương và người dân phải tổng vệ sinh môi trường, duy trì thường xuyên, triệt để việc diệt lăng quang, bọ gậy.Để tích cực phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh được thành lập và kiện toàn từ cấp quận đến cấp phường và đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. TP cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp với ngành y tế tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi… Bên cạnh đó, các quận cũng đã dự trù cơ số thuốc men, hóa chất, máy móc, trang bị bảo hộ sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, đã thành lập đội phòng, chống dịch cơ động với đủ các thành phần sẵn sàng triển khai công tác điều tra, khoanh vùng xử lý ổ dịch.Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương phải tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh SXH, đồng thời quan tâm đến cộng tác viên cơ sở - đây là lực lượng đang đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền hướng dẫn người dân diệt bọ gậy. Bởi muỗi vằn truyền bệnh SXH thường tồn lưu trong nhà từ những vật dụng trữ nước. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, cá nhân và tập thể để ổ bọ gậy phát sinh dịch bệnh cần phải bị xử phạt nghiêm. Theo lãnh đạo Sở Y tế, bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng, biện pháp hữu hiệu là diệt lăng quăng, bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi và ngủ màn. Người dân khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
UBND TP Hà Nội vừa có Chỉ thị về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt các chiến dịch VSMT diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã huy động nguồn lực đảm bảo công tác phòng, chống dịch SXH, kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài, lan rộng. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận 4.147 bệnh nhân SXH, 1 bệnh nhân tử vong. |