Chiều 5/6, trong buổi họp báo quốc tế thứ 4 kể từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, suốt hơn một tháng qua, Việt Nam đã kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình để đấu tranh với Trung Quốc nhưng đáp lại, Trung Quốc tiếp tục hành động ngang ngược hơn, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân Việt Nam, hòa bình, an ninh trong khu vực.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết, trên thực địa, Trung Quốc đã có những hành động leo thang mới, mở rộng vùng hoạt động của giàn khoan, di chuyển đến vị trí mới nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cũng huy động nhiều tàu, có ngày tới 140 tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có nhiều tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa, tàu quét mìn… Đặc biệt, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, các tàu của nước này đã đâm va, gây hư hỏng cho tổng số 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Một tàu Trung Quốc đã đâm thẳng tàu CSB 2016 của Việt Nam làm thủng 4 chỗ trên thân tàu, đặc biệt nguy hiểm vì chỉ cần thấp hơn chút nữa sẽ làm nước tràn vào, gây chìm tàu. Việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam cách giàn khoan 17 hải lý làm cho tình hình hết sức nghiêm trọng, thậm chí, các tàu của Trung Quốc còn ngăn cản các tàu Việt Nam đến cứu hộ tàu cá bị đâm chìm này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết, quan điểm của Việt Nam khi Hiệp hội Nghề cá sẽ kiện tàu Trung Quốc lên tòa án quốc tế, ông Trần Duy Hải cho rằng, các vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp. Việc Hiệp hội Nghề cá kiện thì chỉ mang tính dân sự nhưng hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc vi phạm chủ quyền nên không thể giải quyết trong một vụ kiện dân sự đơn thuần như thế nên các phương án đều được các cơ quan chức năng tính đến để có hiệu quả nhất. Trước câu hỏi thể hiện việc lo ngại về quan điểm trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải khẳng định, việc làm của Trung Quốc trên biển thời gian qua với các nước láng giềng sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chính sách ngoại giao hòa bình như Trung Quốc tuyên bố chỉ là hình thức, không thực hiện trên thực tế. Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là hành động bạo lực, đe dọa an ninh an toàn chung chứ không thể gọi là nỗ lực hòa bình. Ông Trần Duy Hải cũng khẳng định, công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp quốc nhằm vu khống Việt Nam là xuyên tạc sự thật, ngang nhiên bóp méo sự thật. Hình ảnh thể hiện đều là Trung Quốc ngang ngược đâm tàu Việt Nam chứ phía Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào chứng minh việc ngược lại. Các hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng cũng được đăng tải trên chính các phương tiện truyền thông, mạng truyền thông Trung Quốc.
Trong khi đó, theo ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, chúng ta chỉ đưa ra một số lực lượng hạn chế để đấu tranh với Trung Quốc. Tàu Việt Nam đã thực hiện việc tuyên truyền vận động Trung Quốc rút bỏ giàn khoan mà không sử dụng biện pháp khác trên thực địa. Mặc dù bị ngăn chặn nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn rất kiên trì, kiềm chế đấu tranh và vẫn thể hiện sự có mặt của mình trên thực địa. Ông Ngô Ngọc Thu cũng khẳng định, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam không hề yếu thế trước những hành vi tấn công của tàu Trung Quốc vì muốn giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình. Chính sự kiềm chế đó là thực hiện chủ trương và mục đích nhất quán của Việt Nam: Kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình với Trung Quốc.
Còn theo ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này đã có 19 tàu Kiểm ngư bị đâm, va gây hư hỏng, làm 12 Kiểm ngư viên bị thương. Tuy nhiên, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn cương quyết bám biển, theo sát tình hình để bảo vệ ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên biển.
Liên quan đến câu hỏi Việt Nam có kỳ vọng nước Mỹ sẽ hành động về vấn đề trên biển của Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định, việc duy trì an ninh trên biển là trách nhiệm của mọi quốc gia. Việt Nam mong muốn Mỹ có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế. Đặc biệt, ông Lê Hải Bình cũng cho biết, tại hội nghị quan chức để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực diễn ra từ 10 - 16/6 tới, các nước sẽ kiểm điểm để thực hiện lộ trình tiến tới cộng đồng ASEAN, xây dựng lòng tin trong khu vực… nên, vấn đề Biển Đông và các căng thẳng trong khu vực cũng được bàn thảo ở mức độ thích hợp.
Kinhtedothi - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê trả lời báo chí. Ảnh: Phạm Hùng |