Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Thi tuyển để có phương án tối ưu

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chiến lược phát triển và mở rộng không gian đô thị sang hai bên bờ sông Hồng, TP Hà Nội sẽ xây dựng thêm nhiều cây cầu mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao. Mới đây, Hà Nội đã công bố đang chuẩn bị phương án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, nối quận trung tâm Hoàn Kiếm với quận Long Biên.

 Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo.
Hai phương án dự kiến
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Ngoài ý nghĩa kết nối giao thông, những cây cầu mới hình thành còn là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, biểu tượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với truyền thống văn hóa, niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô mà còn là kỳ vọng của người dân cả nước. Chính vì vậy, mỗi khi phương án một cây cầu mới được đưa ra luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Đối với phương án 1, về mặt thẩm mỹ, cây cầu mang phong cách nặng nề và cổ quá. Phương án 2, mang tính chất hiện đại nhưng nó cũng chưa tạo được ấn tượng mạnh về kiến trúc cầu hiện đại. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ thêm theo phương án hiện đại, một cây cầu cần thanh mảnh, nhẹ nhàng. Thiết kế cầu không đơn thuần là kỹ thuật mà mình cần tạo hình cho nó, có những nhịp hoặc dấu ấn độc đáo.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Cầu Trần Hưng Đạo là một trong số các cây cầu được TP Hà Nội triển khai xây dựng trong thời gian tới đây. TP đã giao các đơn vị tư vấn là Công ty CP Him Lam và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu phương án thiết kế, xây dựng cầu. Tiêu chí đặt ra với cầu Trần Hưng Đạo là hiện đại, mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội và tạo dựng thương hiệu cho TP. Ngoài ra, đường dẫn hai đầu cầu đảm bảo kết nối hiệu quả giao thông trong khu vực.
Mới đây, đơn vị tư vấn TEDI đã đưa ra phương án địa điểm xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Theo đó, cầu có điểm đầu tại nút giao ngã 5 phố Trần Hưng Đạo giao với phố Lê Thánh Tông – Trần Thánh Tông, Hàn Thuyên, Tăng Bạt Hổ, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; điểm cuối vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Toàn tuyến dài 5,5km, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4km, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hai phương án kiến trúc dự kiến cho dự án cầu Trần Hưng Đạo cũng đã được đơn vị tư vấn đưa ra. Phương án 1 theo kiến trúc Đông Dương, điểm nhấn là biểu tượng trụ cổng giống các cửa ô của Thủ đô tạo ra không gian cổ kính. Phương án 2, điểm nhấn là trụ cầu mô phỏng thanh kiếm của Trần Hưng Đạo vươn lên bầu trời, gắn với trận chiến Bạch Đằng. Cầu có kết cấu dầm - cáp hỗn hợp, không phải cầu dây văng. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để đưa ra phương án khả thi nhất để trình hội đồng kiến trúc TP" - đại diện TEDI cho hay. Tuy nhiên, cả hai phương án thiết kế này đã gặp phải luồng ý kiến trái triều từ giới kiến trúc sư và những người yêu Hà Nội.
Nên mở cuộc thi thiết kế
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng, trong đó có cầu Trần Hưng Đạo là cơ hội tốt cho Hà Nội thực hiện những dự án tái thiết đô thị, kết nối và phát huy giá trị hai bên bờ sông Hồng. Đối với hai phương án dự kiến cầu Trần Hưng Đạo mà đơn vị tư vấn đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng đều không đem lại sự thu hút, nổi bật. Hà Nội nên mở cuộc thi thiết kế để chọn ra cây cầu đẹp, không chỉ phục vụ mục đích giao thông mà còn mang tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan, phục vụ du lịch.
TS.KTS Nguyễn Việt Huy - giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) bày tỏ, cả hai phương án đưa ra chưa thể xứng tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của cây cầu cần có. Cả hai phương án chưa thực sự có những cái mới, nét riêng, tính biểu tượng thực thụ. “Đây là một cơ hội rất tốt để Hà Nội có thể huy động chất xám, tham gia vào một cuộc thi tuyển tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế, tìm ra ý tưởng cho cây cầu mà vốn dĩ nó phải đạt được” – TS.KTS Nguyễn Việt Huy nêu.
Cùng quan điểm về việc nên tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để làm một cây cầu hoàn chỉnh cần có sự kết hợp giữa kỹ thuật, kiến trúc và điêu khắc. Việc thiết kế cầu nên tổ chức cuộc thi theo các quy định hiện hành, để cả cộng đồng cùng tham gia, bởi đây không chỉ là nơi giao thông mà còn là điểm đến, nơi người ta lưu lại những dấu ấn, khoảnh khắc.
Để có được phương án tối ưu xây dựng, giữa tháng 7/2020, UBND TP Hà Nội đã họp và có kết luận về phương án kiến trúc và kết nối của cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng. Theo đó, UBND TP thống nhất các nút giao thông hai đầu cầu, các điểm kết nối đối với các tuyến đường hiện hữu và tuyến đường ven sông dự kiến, hạn chế giải phóng mặt bằng ở cả phía Hoàn Kiếm và Long Biên. Tuy nhiên, với phương án kiến trúc, cầu cần nghiên cứu phù hợp với cảnh quan, hình thức kiến trúc hai bên, bề rộng lòng sông, yêu cầu thoát lũ, thông thuyền để bảo đảm các yếu tố và kỹ thuật, mỹ thuật. Việc lựa chọn các phương án kiến trúc cầu hiện đại hay cổ điển cần được thuyết trình kỹ, bảo đảm phương án lựa chọn phù hợp, tối ưu, thuận tiện cho việc duy tu, bảo dưỡng và vận hành về sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần