Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh doanh đa cấp là mô hình hợp pháp, tuy nhiên nhiều trường hợp biến tướng gây ra hệ lụy cho những người tham gia.

Kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1Vậy đâu là kinh doanh đa cấp được pháp luật công nhận và đâu là kinh doanh đa cấp bất hợp pháp? Liệu có những lỗ hổng trong hình thức kinh doanh này dẫn đến các công ty lách luật? Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Thắt chặt điều kiện đăng ký kinh doanh đa cấp
Để hạn chế những vấn nạn trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, cần nâng cao điều kiện đăng ký hoạt động này theo hướng thắt chặt hơn. Đồng thời, tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát để xử lý các DN sai phạm, có sự phối hợp của Bộ Công an, nhất là Cảnh sát kinh tế (C46), PC46 các địa phương, khi phát hiện phải xử lý thật nghiêm. Ngoài ra, các sở công thương phải chủ động trong việc giám sát kiểm tra hoạt động buôn bán đa cấp tại địa phương; phải rà soát lại, yêu cầu các DN bán hàng đa cấp phải báo cáo nghiêm túc việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương

Vũ Huy Hoàng

Chưa xử lý triệt để hành vi lách luật
Có 2 trường hợp tham gia vào các loại hình kinh doanh bất chính: Trường hợp thứ nhất, có những người biết là bất chính nhưng vẫn tham gia vì họ hiểu được những gì họ phải đánh đổi và những gì họ có thể nhận được. Trường hợp thứ hai, có những người không biết gì, chỉ nghe theo tuyên truyền và bỏ tiền vào một cách tự nhiên, không có kiến thức về bán hàng đa cấp. Hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để những hành vi lách luật, vi phạm, do đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc bán hàng đa cấp của những DN chân chính.
Luật sư Võ Đan Mạch - Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam

Xin ông cho biết, bản chất kinh doanh đa cấp là gì? Những người tham gia được hưởng những quyền lợi thế nào?

- Kinh doanh đa cấp là phương thức tiếp thị bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh. Theo đó, việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của DN hoặc của người tham gia. Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được DN bán hàng đa cấp chấp thuận.

Trong các văn bản pháp luật, hình thức kinh doanh đa cấp được quy định ra sao, thưa ông?

- Ngoài các điều, khoản được quy định trong Luật Cạnh tranh, hành vi bán hàng đa cấp còn được quy định và kiểm soát tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 (thay thế Nghị định số 110/2005/NĐ-CP) và Thông tư số 24/2014/TT-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Vậy, lỗ hổng pháp lý nào để các công ty kinh doanh đa cấp làm ăn bất chính lách luật, lôi kéo khách hàng tham gia vào mạng lưới?

- Các công ty kinh doanh đa cấp làm ăn bất chính có thể áp dụng các hình thức lách luật sau: Kinh doanh đa cấp nhưng không đăng ký giấy phép để lách luật, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; Lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng, không có hàng hóa lưu thông; Lợi dụng mô hình để biến tướng, di chuyển địa bàn liên tục, đăng ký kinh doanh ở địa phương này nhưng sang địa phương khác hoạt động; Quảng cáo sai sự thật và thực hiện sai những nội dung trong đề án tham gia kinh doanh đa cấp.

Ngoài ra, hình thức phổ biến nhất đó là mỗi thành viên tham gia phải bỏ tiền ra mua một mã số, được nhận hàng về sử dụng và tiếp tục lôi kéo thêm nhiều người tham gia để nhận hoa hồng. Trong trường hợp này, hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng để lách luật, thực chất đây là hình thức huy động vốn, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Đây là kẽ hở phổ biến trong quản lý bán hàng đa cấp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hình thức kinh doanh này.

Theo ông, làm sao nhận diện được hành vi bán hàng đa cấp bất chính?

- Đối tượng tham gia bán hàng đa cấp phần lớn là học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động. Đây là những đối tượng nghèo dễ bị tổn thương, gây mất ổn định và trật tự xã hội. Do sự hiểu biết của những người tham gia còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Vì vậy, trước khi tham gia hệ thống, người dân cần tìm hiểu rõ về công ty, sản phẩm, mô hình trả lương, thưởng. Các đối tượng lừa đảo thường dựa vào kinh doanh theo mô hình kim tự tháp hay mô hình ma trận biến tướng. Người tham gia thường được yêu cầu trả phí ban đầu cao để đủ điều kiện gia nhập công ty. Đồng thời, cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Yêu cầu người tham gia mua sản phẩm để họ có thể bán hoặc sử dụng và không cho phép trả lại hàng tồn. Ngoài ra, các công ty lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng đa cấp, bán các gian hàng ảo; cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của DN bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia… Đây là những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Ông có thể đưa ra lời cảnh báo cho những người tham gia mạng lưới này?

- Theo quy định tại Nghị định 42, người tham gia được quyền trả lại hàng hóa trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận hàng, do đó hãy yêu cầu được xuất hóa đơn tài chính cho dù là món hàng giá trị nhỏ. Đừng vì lòng tham trước những hứa hẹn lợi nhuận lớn mà không cần lao động, sẽ tránh được việc mất mát tiền của.

Ngoài ra, cần tuyên truyền cụ thể cho người tiêu dùng và người tham gia có công cụ để tự bảo vệ mình. Có những người khiếu nại nhưng không có tài liệu chứng minh. Khi giao tiền cho công ty kinh doanh đa cấp không có giấy biên nhận, rất khó để khiếu nại. Đối với việc bán hàng đa cấp, cái gì liên quan đến tiền mà không có hàng hóa là bất chính.

Vậy, giải pháp, chế tài nào để có thể ngăn chặn hình thức kinh doanh đa cấp bất chính, thưa ông?

- Các văn bản pháp lý đã ban hành khá đầy đủ nhưng vẫn cần phải rà soát và điều chỉnh để có thể phù hợp và sát hơn, có cơ sở điều tra khi DN có dấu hiệu sai phạm. Cần nhiều hơn các chế tài và khung pháp lý nhất định để dựa vào đó điều chỉnh các hoạt động bán hàng đa cấp được đúng đắn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Cần xem xét bổ sung hoặc sửa đổi Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm nâng chế tài xử phạt để răn đe. Thậm chí, có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Xin cảm ơn ông!
Thiên Ngọc Minh Uy chưa được cấp phép hoạt động chăm sóc sức khỏe
Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và các đại lý chưa được cấp phép hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thẩm mỹ. Khi thành lập đại lý, Công ty đều có hợp đồng ghi rõ điều khoản: Thiên Ngọc Minh Uy chỉ đóng vai trò cung cấp sản phẩm hàng hóa. Chủ đại lý cấp dưới phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của mình. Vì vậy, khi xảy ra vi phạm về hoạt động tại đại lý, cơ quan chức năng chỉ xử phạt chủ đại lý. Thiên Ngọc Minh Uy chỉ bị xử phạt khi vi phạm các quy định về chất lượng, nhãn mác sản phẩm hàng hóa.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường

Tuyên truyền, cảnh báo đối với sinh viên
Các sinh viên tham gia kinh doanh đa cấp biến tướng phần lớn rơi vào trường hợp người ngoại tỉnh, gặp khó khăn về kinh tế và thiếu hiểu biết. Có thể các em mong muốn tìm việc làm thêm để trang trải bớt cho gia đình nhưng đã bị các đối tượng lợi dụng. Để ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng sinh viên bị lôi kéo tham gia kinh doanh đa cấp, trong các buổi nói chuyện đầu năm, đầu khóa, các trường đại học, cao đẳng đã tuyên truyền, cảnh báo để sinh viên đề cao cảnh giác.
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Vũ Văn Hải