Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh ngân hàng quý I: Nhiều kết quả khả quan

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín dụng cải thiện đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng (NH) trong quý I vừa qua.

Ngoài ra, các mảng hoạt động kinh doanh khác cũng đạt được tăng trưởng tích cực.

Liên tiếp báo lãi

Tại Đại hội cổ đông 2017 vừa diễn ra, đại diện NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế của NH đạt 2.206 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ, và là mức lãi cao nhất từ trước đến nay. Ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tín dụng quý I tăng trưởng hơn 4%, huy động vốn tăng 3,15% (tương đương cùng kỳ năm trước), lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) ước đạt 2.488 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%. Đến hết quý I, tổng tài sản của NH đạt 986.000 tỷ đồng (tăng 4%), dư nợ tín dụng đạt 752.000 tỷ đồng (tăng 5,6%), tổng nguồn vốn đạt 911.000 tỷ đồng (tăng 4,7%).

Ngoài 3 NH quốc doanh có vốn Nhà nước, các NH TMCP top sau cũng đạt mức lợi nhuận khả quan trong quý I, như: NH TMCP Á Châu (ACB) đạt 595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hay như tại Đại hội đồng cổ đông 2017, Tổng Giám đốc NH TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết, quý I/2017, NH có doanh thu tăng 32%, lợi nhuận tăng 22% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm 2017. Trên nền tảng này, MB tự tin đạt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 ở mức 4.532 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016, nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Nguồn thu từ dịch vụ cải thiện

Vào quý I các năm, đa số NH thường đạt kết quả kinh doanh khiêm tốn so với các quý còn lại trong năm. Nhưng tình hình tín dụng trong quý đầu năm nay đã có sự thay đổi đáng kể. NH Nhà nước (NHNN) chủ động áp room tín dụng sớm dựa trên tình hình lạm phát, cũng như việc kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản để hạn chế rủi ro. Với tăng trưởng tín dụng mục tiêu mà ngành NH đưa ra cho năm nay là 18%, đây là mức hợp lý để các NH có room tăng trưởng trong hoạt động cho vay, tạo nguồn thu và đóng góp tích cực hơn cho lợi nhuận.

Báo cáo tài chính của các NH cũng cho thấy, ngoài lợi nhuận đến từ hoạt động tín dụng, đạt trên 70% tổng thu nhập, các NH cũng đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ, tiêu dùng, phát hành thẻ, hoạt động NH bán lẻ, chứng khoán... Như NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2017, NH xác định phát triển sản phẩm Ví Việt là mục tiêu chiến lược. Trong đó, sẽ mở rộng mạng lưới hơn 10.000 điểm kinh doanh chấp nhận thanh toán Ví Việt, hơn 11.000 đại lý Ví Việt trên cả nước. Song song đó, LienVietPostBank tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vụ bán lẻ, đặc biệt là sản phẩm đặc thù như cho vay hưu trí, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cho vay tái canh cây cà phê, cho vay trồng lúa, trồng mắc ca…

Với thế mạnh về phát triển dịch vụ và thu từ dịch vụ nhiều năm qua, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục thể hiện và đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận. Cụ thể như, hoạt động thẻ và kinh doanh dịch vụ ngoại tệ giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường. Doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt tới 54,02 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ, hoàn thành 102,4% kế hoạch; thị phần cải thiện ở mức 15,47%.

Sự gia tăng lợi nhuận cũng bước đầu thể hiện ở kế hoạch và dự báo ở những thành viên khác, như ACB, NH TMCP Quốc tế (VIB), NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… Đây cũng là những thành viên đã xử lý được một phần nợ xấu, thậm chí chủ động mua lại nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm qua.

Lãnh đạo một NH cho hay, từng loại hình dịch vụ cũng sẽ giúp NH thiết kế tỷ trọng hợp lý giữa tín dụng và phi tín dụng. Phát triển dịch vụ phi tín dụng sẽ là cách thức có hiệu quả nhất để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của NH, nhất là trong điều kiện các dịch vụ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và mặt bằng lãi suất vẫn chịu áp lực như thời điểm hiện nay.