Thương mại điện tử với phương thức bán hàng đa kênh đã phát triển và trở thành hình thức phổ biến trên thế giới, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam, doanh số thương mại điện tử bán lẻ từ các công ty cho người tiêu dùng (B2C) năm 2016 đã đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với hơn 54% dân số sử dụng Internet cùng số lượng lớn người sử dụng các thiết bị di động thông minh, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng để phát triển thương mại điện tử. Trong 5 năm tới, thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đều hướng đến mô hình bán lẻ đa kênh, với các khoản đầu tư không nhỏ vào kênh bán lẻ trực tuyến.
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
“Để thương mại điện tử phát triển xứng với tiềm năng sẵn có và thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Trong đó, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần đồng nhất thông tin giữa thị trường thực và ảo để xây dựng lòng tin với khách hàng”, ông Dũng cho biết.
Theo báo cáo Global Trust in Advertising 2015 của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhiều nhất vào quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, theo sau đó là mạng xã hội, video trực tuyến và banner trực tuyến. Do vậy, rất cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về xu thế thương mại điện tử cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng hiện diện trực tuyến và thực hiện tiếp thị trực tuyến.
Nhiều chuyên gia uy tín thuộc các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh thương mại cho rằng, ngày nay việc thiết lập một website là rất dễ dàng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo dựng một website chất lượng cao để tiếp thị cho hoạt động kinh doanh, từ đó xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp dưới hình thức mà họ có thể kiểm soát được.
Trên thực tế, đã có tới 77% các doanh nghiệp nhỏ cho rằng, website là công cụ tiếp thị trực tuyến hiệu quả nhất để hình thành nhận thức và nâng cao quan hệ khách hàng, tốt hơn bất kỳ công cụ tiếp thị trực tuyến nào khác.
Phó Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cũng chia sẻ, cách hiệu quả nhất để kinh doanh trực tuyến là sở hữu một website, kết hợp với sự hiện diện truyền thông mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp của doanh nghiệp và nuôi dưỡng mối quan hệ với lượng lớn khách hàng. Và bước đầu tiên để xây dựng hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và thành công là chọn đúng tên miền.
Củng cố cho nhận định này, ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Công ty Mắt Bão cho rằng, việc sử dụng tên miền mở rộng uy tín sẽ đem lại cho các doanh nghiệp một sự tín nhiệm nhất định.
“Có rất nhiều doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả 500 công ty thuộc danh sách Fortune 500 khi cân nhắc các tiêu chuẩn toàn cầu để kinh doanh trực tuyến, họ đều đã lựa chọn sử dụng tên miền .com để xây dựng website của mình. Đây là sự chứng tỏ khát vọng mở rộng kinh doanh vươn ra ngoài mạng lưới khách hàng hiện tại trong khu vực”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, với mức độ vận hành chính xác và ổn định của cơ sở hạ tầng hệ thống tên miền .com, hơn 18 năm qua đã có hơn 127,5 triệu tên miền .com được đăng ký trên toàn thế giới. Việc sở hữu tên miền .com chính là lựa chọn đúng đắn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển thương hiệu hiện diện trực tuyến.