Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh vàng vẫn bị giấy phép con “hành”

Hồng Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt quy định tại các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đang “thêm việc” không cần thiết cho DN.

Nhiều giấy phép con không phù hợp, thậm chí trái với các quy định vẫn đang “làm khó” hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vàng…

Đó là những khó khăn, vướng mắc đã được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nêu ra tại Văn bản số 27/2016/CV- HHV gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản này, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát và bãi bỏ những loại giấy phép con trái với quy định.

Thông tư hướng dẫn “thêm việc” cho DN

Văn bản của VGTA cho biết, theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, DN phải có sổ thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh này từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trở lên. Tuy nhiên, theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN diễn giải sai lệch nội dung của Nghị định 24. Theo đó, thông tư này yêu cầu DN phải đăng ký địa điểm chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét, cũng như mỗi khi điều chỉnh phải xin phép. “Trong khi đó, các tiêu chí xem xét hoàn toàn không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo thủ tục hành chính mà NHNN quy định, gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian cho các DN”, văn bản của VGTA nhấn mạnh.
Hoạt động mua bán vàng tại Công ty TNHH Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh Thanh Hải
Hoạt động mua bán vàng tại Công ty TNHH Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh Thanh Hải
Ngoài ra, mặc dù đã yêu cầu giấy xác nhận nộp thuế của cơ quan thuế nhưng Thông tư 38/2016/TT-NHNN còn bổ sung thêm hạng mục báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó. Điều này trong hồ sơ mà Nghị định 24 không quy định. Thông tư này cũng bổ sung thêm yêu cầu đối với hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, trong khi Nghị định 24 quy định “NHNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho DN được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”.

Nhiều loại giấy phép con cần cắt bỏ

VGTA đề nghị bãi bỏ quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của NHNN. Thực tế, trong hơn 4 năm qua chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

VGTA cũng cho rằng, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, thì DN cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, các DN vàng đề nghị, với các DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN.

Theo phản ánh của nhiều DN kinh doanh vàng, đa số các DN này phải đi thuê địa điểm để kinh doanh. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, các DN phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các DN chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho DN.