Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh hoàng những bãi rác tự phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua thông tin mà bạn đọc phản ánh, những ngày qua PV báo Kinh tế và Đô thị đi thực tế các khu vực quận, huyện ven TP Hồ Chí Minh để mục sở thị những bãi rác tự phát “mọc” lên tràn lan nơi đây. Đủ loại to, nhỏ khác nhau nhưng các bãi rác đều có một điểm chung là gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sống chung với rác

Ngay ngã tư (đường Đất Mới và đường Ấp Chiến Lược), phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân thường xuyên tồn tại một bãi rác khủng. Mặc dù nơi đây đã được cắm tới 3 biển báo cấm đổ rác, vậy mà bãi rác này cứ to thêm mỗi ngày. Bác Nguyễn Văn Nam (Cựu chiến binh lão thành, nhà gần bãi rác) cho hay: “Bãi rác này “mọc” lên đã lâu, khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm, ruồi muỗi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Khu vực này dân cư tập trung đông đúc, họ đổ rác sinh hoạt bừa bãi. Cốt nền nơi đây lại thấp nên cứ mỗi lần mưa là bị ngập nặng, rác từ bãi rác này trôi tràn cả xuống đường, tràn vào cả nhà dân xung quanh gây ô nhiễm rất nghiêm trọng”.

Tại đầu hẻm 622 Phan Văn Trị thuộc phường 17, quận Gò Vấp xuất hiện một bãi rác tự phát gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư. Bãi rác này lại nằm sát bên hông của trường Mẫu giáo Anh Đào. Hàng ngày, rác sinh hoạt từ các hộ trong khu phố và khu chợ gần đấy “thi nhau” tập kết tại đây. Không chỉ chiếm mặt bằng hẻm, bãi rác này còn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm học sinh của trường Mầm non Anh Đào và của cả cộng đồng. Chính quyền địa phương cần có biện pháp giải tỏa bãi rác "khủng" này, trả lại không khí trong lành cho mọi người.

 
Khu vực cổng chợ Bình Điền.
Khu vực cổng chợ Bình Điền.
Trên Quốc lộ 1A, đoạn gần chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức có bảng cấm đổ rác to tướng, vậy mà một số người vô ý thức vẫn thường xuyên mang rác đổ tràn lan tại khu vực này. Rác thải tràn xuống mặt đường không những cản trở giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ đống rác thải khiến ai đi ngang qua cũng chịu không nổi.  

Cũng trên Quốc lộ 1A đoạn từ giao lộ Trần Văn Giàu đến giao lộ Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) có đến vài bãi rác tự phát. Đoạn đường này có nhiều người bán dừa tươi trên các xe đẩy. Sau khi khách uống xong, họ vứt vỏ dừa xuống những bãi cỏ trống ven quốc lộ. Dần dà, các bãi rác này "lớn lên", người đi đường cứ vô tư vứt vô số loại rác khác, kể cả xác động vật.Ở vùng ven  TP này, bãi rác có thể được “mọc” lên ở bất cứ chỗ nào. Những bãi rác xuất hiện ở mặt đường, ở trong hẻm, ở bãi đất trống, ở bờ kênh… và bãi rác còn “mọc” cả ở trên đỉnh cầu. Cây cầu Chợ cầu nằm trên đường Quang Trung bắc qua kênh Tham Lương để lối giữa hai quận Gò Vấp và quận 12. Nơi đây vốn đông người qua lại, hầu như ngày nào cũng kẹt xe, tắc đường đến vài lần. Thế nhưng, trên đỉnh cầu này lại thường xuyên “mọc” lên một bãi rác to đùng mà người dân qua đây nói vui rằng “để làm cột mốc phân chia ranh giới giữa hai quận”.

Phải có người chịu trách nhiệm

Trao đổi với Giám đốc một Công ty Dịch vụ công ích (vị này xin không nêu tên) về hiện tượng các bãi rác “mọc” lên tràn lan, trách nhiệm xử lý thuộc về cơ quan nảo? Vị này cho biết: “Các đơn vị thu gom rác thải được phân định theo địa bàn. Ở trong khu dân cư thì do các Công ty Dịch vụ công ích của các quận, huyện đảm trách, cũng có nơi do các tổ dân lập đi thu gom (họ ký hợp đồng hoặc có thỏa thuận trực tiếp với dân thông qua khu phố hoặc UBND phường). Còn ở các nơi công cộng thì đã có Công ty Môi trường đô thị  TP thu gom rác. Nơi nào thu gom thì nơi đó chịu trách nhiệm vận chuyển rác tới các bãi rác hoặc trạm trung chuyển rác để xử lý theo quy định của thành phố. Việc các bãi rác tự phát “mọc” lên hoặc địa bàn nào để rác thải bừa bãi, thu gom không hết thì các đơn vị được phân công thu gom rác nơi này phải chịu trách nhiệm trực tiếp với UBND cấp đó. Việc xả rác thải gây ô nhiễm môi trường thì đã có luật điều chỉnh để xử phạt về hành vi phạm và thẩm quyền xử phạt”.

 
Kinh hoàng những bãi rác tự phát - Ảnh 1

 “Ngân sách TP Hồ Chí Minh đã chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, còn mỗi gia đình hàng tháng đóng không dưới 20.000 đồng để thu gom, xử lý rác. Với mạng lưới các đơn vị thu gom rác thải của Nhà nước được phủ kín từ  TP xuống tận các xã, phường đến việc thêm các tổ thu gom rác tư nhân, với cùng một mục tiêu tạo môi trường sống trong lành, xây dựng  TP văn minh, hiện đại. Thế nhưng, việc thu gom và xử lý rác thải vẫn chưa triệt để, các bãi rác tự phát vẫn “mọc” tràn lan khắp nơi, nhất là ở các quận ven ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân thì phải có người chịu trách nhiệm chứ” - Bác Nam bức xúc.

Hiện nay bãi rác tự phát dần trở thành một hiện tượng phổ biến của TP, nhất là các quận vùng ven. Tuy nhiên, công tác xử lý vẫn chưa mang lại hiệu quả. Biển cấm đổ rác đặt khắp nơi nhưng chúng tỏ ra vô hiệu, chỗ nào cấm là chỗ đó rác xuất hiện. Các cơ quan chức năng đang tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý người vi phạm khiến các bãi rác tự phát rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc". Chúng xuất hiện ngày càng nhiều. Cuối cùng, người dân sống gần khu vực bãi rác phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.