[Kinh nghiệm củng cố tổ chức cơ sở Đảng nhìn từ Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội]: Bài cuối: Tiếp thêm niềm tin của Dân với Đảng

Vũ Minh - Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, việc nâng cao sức mạnh của Đảng chính từ các tổ chức cơ sở Đảng ở cơ sở đã tiếp thêm niềm tin của người dân với Đảng, đặc biệt trong thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp đang được tiến hành.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Giang (nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, cả lý luận và thực tế đều cho thấy, việc củng cố cơ sở Đảng từ cơ sở mang lại những ý nghĩa rất lớn không chỉ trong công tác xây dựng Đảng mà cả trong giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém đã được khẳng định là một nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Đảng. Ông đánh giá thế nào về việc Hà Nội có một Nghị quyết chuyên đề riêng về vấn đề này?
- Trước hết phải khẳng định, tổ chức cơ sở Đảng có vai trò rất đặc biệt với công tác xây dựng Đảng. Đây là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước; trực tiếp xây dựng đội ngũ của Đảng đó là các đảng viên; trực tiếp thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng như nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình…. Tổ chức cơ sở Đảng đồng thời là nơi kiểm nghiệm và góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thông qua những kinh nghiệm phong phú của đội ngũ đảng viên và quần chúng Nhân dân. Hạt nhân của tổ chức cơ sở Đảng là Đảng bộ, chi bộ cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Ðảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”. “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”.
 PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
 Làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là một yếu tố quan trọng để Ðảng vững mạnh. Bởi nếu tổ chức cơ sở Đảng vững, đoàn kết, có ý thức, năng lực xây dựng Đảng tốt, sẽ trực tiếp làm cho Đảng bộ đó mạnh và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngược lại, nếu Đảng bộ đó mất đoàn kết, không nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng sẽ sinh ra nhiều chuyện.
Về việc ban hành một Nghị quyết chuyên đề riêng về vấn đề này, qua nghiên cứu tôi nhận thấy, bất cứ một Chỉ thị, nghị quyết nào của Đảng được ban hành đều có nguyên nhân từ thực tại. Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, củng cổ tổ chức cơ sở Đảng yếu kém là một vấn đề thường xuyên được đặt ra ra, việc Hà Nội có nghị quyết chuyên đề riêng về vấn đề này có thể thấy sự nhạy cảm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Lãnh đạo TP  đã nhìn nhận đúng vai trò, vấn đề của cơ sở Đảng và những vấn đề cấp bách đang đặt ra, trong đó có giải quyết các vụ việc phức tạp, dẫn đến yếu kém của tổ chức cơ sở Đảng. Tôi được biết Nghị quyết này được ra đời sau những vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm năm 2017, như thế có thể nói Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết rất kịp thời. Đây là cơ sở cho các Đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến tốt trong thực tiễn. Bởi không có Nghị quyết chuyên đề tạo sự đột phá, việc triển khai có thể vẫn diễn ra, nhưng chỉ tiến hành bình bình, khó tạo được hiệu quả cao.
 
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, hệ thống chính trị muốn hiệu lực, hiệu quả thì từng tổ chức cơ sở Đảng phải vững mạnh ngay từ cơ sở. Vậy qua nghiên cứu, theo ông, để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, yếu tố tiên quyết là gì?
- Từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn, tôi thấy có hai yếu tố quyết định vấn đề này, đó là bản thân nội tại Đảng bộ cơ sơ và yếu tố chỉ đạo lãnh đạo của cấp trên. Và phải kết hợp với nhau. Trong thực tế hiện nay, để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Nếu như có Nghị quyết chuyên đề cho một nhiệm kỳ về tổ chức cơ sở Đảng là rất tốt. Khi đó các Đảng bộ cấp trên cơ sở sẽ tập trung xác định xem tổ chức cơ sở Đảng nào yếu kém, có vấn đề, để tập trung tháo gỡ, giúp đỡ. Đây là biện pháp rất quan trọng. Còn với nội tại các Đảng bộ cơ sở, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ cơ sở phải nắm vững được chức năng nhiệm vụ, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng mình. Nếu không nắm vững sẽ không thực hiện đúng, có thể lấn sân, bao biện hoặc nhầm vai.
Sau nữa là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng được yêu cầu cầu công việc cũng rất quan trọng. Đặc biệt, cần cả bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông tin cho đội ngũ đảng viên, để nắm vững và tránh bị tác động bởi những thông tin trái chiều.
 Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) nhiệm kỳ 2020-2025
Vậy để củng cố thêm niềm tin của người dân với sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở Đảng, vai trò của công tác cán bộ, người đứng đầu… có những điểm gìn cần lưu ý, thưa ông?
- Tôi nhận thấy có hai yếu tố thường dẫn đến sự mất đoàn kết hoặc khiếu kiện tại cơ sở đó là cán bộ và kinh tế. Trong đó, ở một số địa phương, đơn vị vẫn xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền mắc bệnh quan liêu, xa thực tế, xa dân, mất dân chủ... những cán bộ, đảng viên này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng.
Bởi niềm tin của Nhân dân với Đảng sẽ ngày càng vững chắc hơn từ những chủ trương, định hướng, sự lãnh đạo của Đảng trong tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho Nhân dân. Cuộc sống tốt đẹp đó không chỉ từ kinh tế phát triển, mà cả ở việc cán bộ, đảng viên gương mẫu, gần dân, trọng dân, lắng nghe tiếng nói của đại đa số người dân, cầu thị trước những điều tâm huyết, cùng nỗi lo, bức xúc thường ngày của người dân…

“Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân sẽ góp phần nâng cao niềm tin trong Nhân dân với Đảng, động viên, khích lệ Nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Khi chúng ta làm tốt việc dân chủ từ trong Đảng ra quần chúng, thực sự lấy dân làm gốc thì “quy chế dân chủ ở cơ sở” mới được thực thi nghiêm túc và có chất lượng. Đó là cũng là giải pháp để xây dựng Đảng mạnh từ cơ sở”- PGS.TS Nguyễn Văn Giang

Từ thực tế cho thấy, để tránh tạo ra những “điểm nóng”, sự bức xúc dẫn đến mâu thuẫn, hơn lúc nào hết, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đi sâu, đi sát thực tế đời sống, nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình Nhân dân. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân chính là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết. Làm tốt công tác này sẽ giúp cho các cấp ủy Đảng phát hiện và giải quyết nhanh chóng những tồn tại yếu kém ở địa phương, đơn vị mình, giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại, bức xúc trong dân, củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Sự đồng thuận của Nhân dân chính là sức mạnh nội tại vô cùng to lớn với mỗi cấp ủy Đảng.
Xin cảm ơn ông!