Kinh nghiệm hạn chế phương tiện cá nhân ở các nước - Bài 4: Thay đổi thói quen giao thông của người dân

Tú Anh - Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều quốc gia khác, việc hạn chế phương tiện cá nhân ban đầu cũng gặp phải những tranh cãi nhiều chiều trong dư luận.

Việc đưa một chính sách vào thực tiễn luôn đòi hỏi thời gian và hàng loạt các chính sách đi kèm.
Ý kiến trái chiều
Trước khi thực hiện chính sách cấm xe máy, giới chức Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến để lấy ý kiến của người dân. Kết quả thu được là 50% số người được hỏi đồng tình và 50% phản đối. Khi chính sách được thi hành đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cũng như diễn đàn trực tuyến.
Không khác với các nước khu vực châu Á, nhiều nước phương Tây cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí do quá tải phương tiện cá nhân. Năm 2015, Hội đồng TP Oslo (Na Uy) cho biết, họ muốn cấm xe ô tô ở trung tâm TP vào năm 2019 để cắt giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, động thái này không được các DN địa phương hưởng ứng do sợ lợi nhuận bị ảnh hưởng. Các DN lo lắng việc cấm ô tô sẽ ảnh hưởng đến 11 trong số 57 trung tâm mua sắm của TP, vì khách hàng không thể chở hàng hóa lớn về nhà mà không có xe.
Vì vậy, để việc hạn chế phương tiện cá nhân thực sự hiệu quả và bền vững, chìa khóa vẫn là tạo dựng cho người dân thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Để thực hiện được điều này, các nước đã kết hợp chính sách ngắn và dài hạn, cùng các công nghệ hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng giao thông công cộng.
Triển khai chính sách từ ngắn hạn đến dài hơi
Bên cạnh những chính sách cố định và dài hạn, chính quyền Ireland còn đưa ra các sáng kiến ngắn hạn cho người dân. Trong tháng 7 năm nay, Ireland cho phép trẻ em, thanh thiếu niên trong độ tuổi 4-18 được sử dụng dịch vụ giao thông công cộng miễn phí trong vòng hai tuần từ 3/7 cho tới 16/7. Với sáng kiến này, Bộ trưởng Giao thông Ireland Shane Ross kỳ vọng, các hộ gia đình nước này sẽ tăng cường năng suất sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là trong mùa hè khi nhu cầu di chuyển tăng cao do diễn ra nhiều lễ hội và kì nghỉ.
 
Chính quyền thành phố Seoul cũng từng chọn giải pháp miễn phí “mùa vụ” nhằm khuyến khích một nửa số người dân thường xuyên tới công sở bằng phương tiện cá nhân sẽ lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm miễn phí. Cụ thể, người dân sẽ được miễn phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng trong khung giờ cao điểm, từ chuyến đầu tiên buổi sáng tới 9 giờ và từ 18-21 giờ. Chương trình này sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 7, thời điểm mà lượng bụi hàng ngày tại Seoul được dự báo có thể sẽ vượt quá mức 50 microgram. Ngoài ra, các phương tiện cá nhân được khuyến khích tự nguyện lưu thông theo biển số chẵn - lẻ. Việc từng bước áp dụng các chính sách khuyến khích sử dụng giao thông công cộng ngắn hạn và mùa vụ là tiền đề cho các cơ chế dài hơi và cố định.
Sự vào cuộc của công nghệ tích hợp
Ở châu Á, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng trào tích hợp vé, thẻ số từ mua sắm tới sử dụng giao thông công cộng với “công cụ” T-money nổi tiếng. Thẻ này dùng được cho cả tàu điện ngầm, bus, taxi, thậm chí dùng trong thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi. Khi sử dụng T-money, giá vé giao thông công cộng sẽ rẻ hơn 100 Won so với thanh toán bằng tiền mặt.

Giao thông công cộng mang lại bộ mặt mới cho đô thị. Trong ảnh: Hệ thống xe bus nhanh (BRT) tại Mexico. Nguồn: Energy Transition.

Hành khách cũng có thể đổi ngang vé từ xe bus sang tàu điện ngầm hoặc ngược lại mà không mất phụ phí khi sử dụng T-money. Khi không có nhu cầu sử dụng thẻ T-money nữa, người dùng có thể lấy lại số tiền còn dư trong thẻ.
Được biết đến như một trong những quốc gia đầu tiên nhắc đến khái niệm Giao thông thông minh, Nhật Bản hiện cũng là nước có hệ thống giao thông thu phí điện tử phát triển trên thế giới. Bắt đầu được triển khai từ năm 2001, dịch vụ thu phí giao thông điện tử không dừng (Electronic Toll Collection - ETC) được áp dụng ở hầu hết các tuyến đường cao tốc Nhật Bản, hơn 90% ôtô đã sử dụng dịch vụ này. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thanh toán thẻ quốc tế đã sớm tích hợp chức năng thu phí đi bus, metro với thẻ tín dụng để người tiêu dùng có thể dùng thẻ thanh toán cho nhiều lĩnh vực khác nhau như mua sắm, thanh toán hóa đơn, trả tiền thuế...
Giao thông công cộng hạng sang
Wifi miễn phí sẽ được phủ sóng cho toàn bộ hệ thống phương tiện công cộng Adelaide Metro (Australia) - bao gồm tàu lửa, xe bus, xe điện, các trạm ga và chuyển phát kể từ tháng 12/2017. Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Australia, ông Stephen Mullighan cho rằng các dịch vụ sẽ hỗ trợ cả các hành khách muốn làm việc, giải trí hoặc cập nhật tin tức khi tham gia giao thông công cộng. Sáng kiến này nằm trong gói ngân sách 22 triệu USD nâng cấp dịch vụ giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của gần 70 triệu hành khách mỗi năm. Trong một nỗ lực khác, chính quyền Ấn Độ lại hướng đến thúc đẩy đối tượng là tầng lớp thượng lưu tham gia giao thông công cộng. Theo đó, họ đã quyết định đưa vào sử dụng một số tuyến bus 2 tầng với nội thất và dịch vụ cao cấp, chạy bằng năng lượng tái tạo - với xe nhập từ hãng Volvo trứ danh của Thụy Điển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần