Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Mỹ trước những bài toán khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai năm trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke được ca ngợi là người hùng khi tung ra chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing-QE) bằng cách mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ

KTĐT - Hai năm trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke được ca ngợi là người hùng khi tung ra chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing-QE) bằng cách mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu bảo đảm bằng nợ địa ốc như một biện pháp cản đà leo thang của suy thoái kinh tế.

Chính sách này giúp làm tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính đang đóng băng và góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra một thảm họa kinh tế toàn cầu. Mặc dù, kinh tế Mỹ đã thoát khỏi vùng nguy hiểm nhưng sự phục hồi mong manh và tỉ lệ thất nghiệp vượt ngưỡng 9% khiến ông Bernanke lại phải đối mặt với bài toán nới lỏng định lượng thứ 2 (QE2). Suốt hai tuần qua, các thị trường trên toàn thế giới rơi vào trạng thái chờ đợi quyết định bơm thêm tiền để mua tài sản của FED sẽ công bố vào ngày 3/11.


Tạp chí The Economist cho rằng, gói QE2 lần này dù quy mô lớn đến đâu cũng không phải là liều "thuốc tiên" để phục hồi sức khỏe cho nền kinh tế Mỹ.


Tuy nhiên trong bối cảnh giảm phát đang là mối lo lớn hơn lạm phát thì việc tung gói nới lỏng định lượng thứ 2 là việc FED cần phải làm để duy trì một đồng USD yếu, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ lấy lại phong độ. Các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ dựa vào FED và ông Bernanke, Chính phủ Mỹ cần hỗ trợ bằng biện pháp kích thích tài khóa ngắn hạn. Bài toán dung hòa lợi ích ngắn hạn và dài hạn hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách áp dụng kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trung hạn chặt chẽ như kế hoạch mà Chính phủ Anh, Đức đã đưa ra.


Bên cạnh bài toán hỗ trợ quyết định của FED, chính quyền Mỹ vẫn đau đầu trước chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Hôm 1/11, ông Mike Froman, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ về các vấn đề kinh tế quốc tế cho biết, Mỹ không hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết tại Hội nghị G20 tổ chức tại Hàn Quốc tuần tới nhưng sẽ duy trì áp lực nhằm cải thiện tình trạng thiếu cân bằng kinh tế toàn cầu. Dự kiến tại Hội nghị G20 diễn ra vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hối thúc nguyên thủ quốc gia các nước trong nhóm thực hiện các biện pháp cân bằng tài khoản vãng lai theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm 1/11 trên tờ Le Figaro nhân chuyến thăm chính thức nước Pháp tuần này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định chính sách tiền tệ của Trung Quốc là minh bạch và có trách nhiệm; đồng thời nhấn mạnh để khôi phục cân bằng thương mại toàn cầu, các nước liên quan cần phải thay đổi đường lối phát triển của mình, tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do và công bằng, chống mọi hình thức bảo hộ mậu dịch...