Kinh tế năm 2016: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được, trong khi lạm phát có thể vượt dự kiến 5%.

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngày 10/5.

2 kịch bản lạm phát và GDP

VEPR đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát và GDP cho năm 2016, đáng chú ý là dù ở kịch bản nào thì tăng trưởng kinh tế năm nay cũng khó đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, với kịch bản thứ nhất lạm phát là 4,24% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,05%. Kịch bản thứ hai khi GDP “nhích” lên 6,38% thì lạm phát chạm mức 5,17%.
Nhóm chuyên gia đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6,05% cho kịch bản thấp và dưới 6,38% ngay cả trong trường hợp có nhiều thuận lợi.	 Ảnh: Công Hùng
Nhóm chuyên gia đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6,05% cho kịch bản thấp và dưới 6,38% ngay cả trong trường hợp có nhiều thuận lợi. Ảnh: Công Hùng
TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. “Chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư thì tăng trưởng có thể đạt 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá trong năm 2016, khả năng này là thấp” – ông Thành cho hay.

Về mặt bằng giá, các chuyên gia dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu, nên không loại trừ lạm phát năm 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, trong quý I/2016 đã xuất hiện những yếu tố bất thường. Đó là rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc vào đầu năm, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.

Đồng tình với dự báo lạm phát năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015 nhưng theo TS Đặng Ngọc Tú – Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia do giá hàng hóa thế giới giảm nhưng giảm ở mức thấp nên mặc dù lạm phát sẽ cao hơn năm 2015 nhưng mức cao hơn không nhiều. Ông Tú tính toán, nếu quý I/2016, chỉ số nhập khẩu giảm 2,9% so với cùng kỳ, cả năm giá nhập khẩu giảm tương ứng, lạm phát năm 2016 chỉ 3 - 4%.

Ưu tiên cho ổn định vĩ mô

Đưa ra các khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn, nhóm nghiên cứu cho rằng cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục. Trong khi đó, các nhóm giải pháp chính sách trung hạn cần hướng tới là nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cần gấp rút thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là những định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này phải được nhấn mạnh đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công khá eo hẹp và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trong nước đã ở ngưỡng khá cao so với tương quan thu nhập đầu người.

Thứ hai, cải cách dứt điểm khu vực DN Nhà nước theo hướng cổ phần hóa để tránh lãng phí nguồn lực cũng cần phải được thực hiện gấp rút nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Việt Nam hiện đang tiêu tốn quá nhiều nguồn lực cho hoạt động thiếu hiệu quả của khu vực hành chính công, thể hiện ở tỷ lệ chi thường xuyên ở mức rất cao trong tổng chi ngân sách và trong GDP. Cải cách theo hướng tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm Chính phủ, gia tăng nguồn lực được phân bổ đến khu vực tư nhân.

Thứ ba, cần nhìn lại mối quan hệ giữa nâng cao trình độ lực lượng lao động với việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ thống giáo dục cần phải có những cải cách mang tính thị trường, hướng tới đáp ứng nhu cầu thực của thị trường lao động, yếu tố chi phí đào tạo cần được tính đủ để tránh lãng phí nguồn lực. Theo đó, cần phải cắt giảm mạnh các trợ cấp chính phủ cho đào tạo nhân lực trình độ cao, và để thị trường quyết định quy mô cũng như chi phí giáo dục ở cấp bậc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần