Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế năm 2018 hiện diện những thách thức, khó khăn mới

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang năm 2018 với những yếu tố thuận lợi nhất định của năm 2017, nhưng thách thức khó khăn là rất lớn.

Để thúc đẩy kinh tế 2018 cần phát huy những kết quả đạt được của năm 2017 đồng thời nhận diện những tồn tại còn hạn chế để có thể khắc phục trong năm mới.
2017: Dấu ấn và những tồn tại

Có hai điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế năm 2017 khi kinh tế vừa đạt được 13 chỉ tiêu nhưng có 7 - 8 chỉ tiêu lần đầu tiên đạt được trong lịch sử là số DN thành lập mới, về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự trữ ngoại tệ, xuất khẩu, khách du lịch, chứng khoán tăng mạnh đặc biệt là trong xếp hạng quốc tế tiếp tục tăng bậc. Thứ hai là đối ngoại rất thành công không chỉ với Hội nghị APEC mà còn bên cạnh sự kiện APEC là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vị thế của Việt Nam được khẳng định thêm một bước mới trong quan hệ quốc tế.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh Hùng Thập
Tuy nhiên, năm 2017 kinh tế Việt Nam cũng tồn tại nhiều điểm nghẽn. Nhóm tồn tại lâu dài thứ nhất không chỉ năm nay mà các năm về sau, đó là sự chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới còn chậm. Nền kinh tế ghi nhận môi trường đầu tư thay đổi nhưng mô hình tăng trưởng chưa có sự thay đổi lớn (mặc dù có điểm quan trọng là chuyển dần động lực tăng trưởng từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước). Tồn tại thứ hai là môi trường đầu tư dù được ghi nhận ở cấp quốc gia, thế giới nhưng thực chất trên nóng, dưới lạnh vẫn rõ, tình trạng “một cửa, nhiều khóa” và chi phí bôi trơn là hai yếu tố khiến DN còn nặng gánh. Dù mức thuế đã giảm khá ấn tượng nhưng chi phí bôi trơn còn cao hơn thuế (chi phí bôi trơn là 10% tổng doanh thu trong khi thuế mới khoảng 15 - 17% trên lãi).

Tồn tại thứ ba là phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn bộc hộ nhiều hạn chế, vẫn biệt lập không có sự chủ động phối hợp, liên kết, cơ cấu chuỗi còn hình thành chậm, do đó thị trường đầu ra mang tính chính ngạch khó khăn (đơn cử như xuất khẩu nông sản vẫn là xuất thô là chính). Một điểm nữa là nợ công cao, nợ xấu còn tiềm ẩn, tích tụ sở hữu chéo. Nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm và DN nội địa hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ chưa cải thiện được khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng, sự tăng trưởng và phát triển của DN Việt Nam nói chung... Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến biến đổi khí hậu, lũ lụt, ngập mặn… còn khốc liệt hơn là những thách thức mới phải chủ động nhiều hơn.

2018: Tăng trưởng ổn định, lạm phát cao

Năm 2018 đặt ra tăng trưởng 6,5 - 6,7% đây là quan điểm rất tiến bộ, thay vì đặt cứng một con số duy ý trí, đặt mức sàn và trần là cần thiết. Những mục tiêu chỉ tiêu khác cũng được đặt trên cơ sở kết quả của năm 2017, vừa với khả năng, nhất là tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tốt hơn 3,8% (năm 2017 là 3,7%).

Nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang năm 2018 với những yếu tố thuận lợi nhất định của năm 2017, nhưng thách thức khó khăn là rất lớn. Thực tế cũng cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng DN. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ những thực tế trên, nền kinh tế năm 2018 cần chú ý mấy điểm. Một là phát huy những thế mạnh của năm 2017, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm và phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cán bộ, nếu như cán bộ không thay đổi thì còn chi phí bôi trơn. Đây là lĩnh vực cần đổi mới, đột phá không chỉ trước mắt mà cả lâu dài về sau.

Thứ hai, tăng phối hợp ngay từ đầu năm của các bộ, sở, ban ngành… cộng với dự báo phải chủ động kịch bản đối phó, tránh bị động. Thứ ba là phải khai thác thật mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và các FTA. Trong điểm nghẽn 2017 có chi tiết là khai thác FTA còn yếu. Quan sát lần đầu tiên Hàn Quốc trở thành quốc gia Việt Nam nhập siêu nhiều nhất, vượt cả Trung Quốc, đây là thách thức rất mới của năm 2018. Đây là mặt trái của FTA. Cho nên điểm nghẽn 2017 chính là phải khắc phục trong năm 2018, phải phát huy mạnh hơn nữa chuỗi, cộng với công nghiệp hỗ trợ để tạo ra tăng trưởng bền vững cũng như giảm nhập siêu, những thứ mà Việt Nam có thể sản xuất được. Hình thành các chuỗi sản xuất thông qua xương sống là tập đoàn Nhà nước, cộng với FDI, cộng với tư nhân đa sở hữu và liên kết vùng để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho năm 2018. Thực hiện các xúc tiến thương mại, đầu tư có trọng điểm hơn nữa để duy trì đà hút vốn. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc Việt Nam phải đổi mới trong đào tạo lao động, đổi mới công nghệ sản xuất của các DN, thay đổi cách tiếp cận gắn liền với cách điều hành của hệ thống cơ quan quản lý để nâng cao chất lượng lao động. Tất cả nhằm tạo ra xung lực mới, có tác dụng kích đẩy, cải thiện chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Một điểm đặc biệt quan trọng năm 2018 phải chú ý là lạm phát rất cao so với năm 2017. Năm qua, Việt Nam mở rộng tài chính tiền tệ, đầu tư… sẽ có độ trễ về lạm phát. Loạt chi phí đẩy tăng lên, bao gồm tăng lương, tự chủ dịch vụ công các loại phí sẽ tăng lên cộng với giá dầu, giá điện tăng… Tóm lại năm 2018 sẽ phải lấy trọng tâm kiểm soát lạm phát mạnh mẽ hơn năm 2017 như là một điểm nhấn.

Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5 - 6,7% trong năm 2018 trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.