GDP cao nhất trong vòng 8 năm qua
Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2015 tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành khai mạc ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá.
Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát
triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể. Cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; hoạt động phát triển DN trong nước chuyển biến tích cực; huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế…
Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH 2016, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2016 là khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP... Riêng về chỉ tiêu GDP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi, liệu có nên nâng chỉ tiêu GDP năm 2016 lên cao hơn 6,7% hay không, vì năm nay đã tăng trưởng đã xấp xỉ 6,7%. Đại diện cho Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ủng hộ Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 7%.
Đề xuất lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện bình quân hàng tháng, Hà Nội đăng ký mới từ 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ô tô. Với tốc độ này, chưa tính đến năm 2018 khi các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm tăng lên thì dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô (chưa kể lượng ô tô các tỉnh về Hà Nội) và khoảng 7 triệu xe máy. “Nếu không có giải pháp mạnh mẽ từ bây giờ, chỉ 4 - 5 năm nữa, vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp, khó giải quyết” - Chủ tịch UBND TP lo lắng. Do đó, Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép các bộ, ban, ngành T.Ư phối hợp với TP xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông, giảm bức xúc xã hội, thúc đẩy phát triển. Trước đó, Kỳ họp HĐND TP Hà Nội Khóa XIV đã thông qua Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông TP giai đoạn 2016 - 2020 với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có dành 700 triệu đồng để xây dựng Đề án Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Việc xây dựng đề án này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016.
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông lớn trên địa bàn TP như tuyến xe buýt nhanh, làm đường hướng tâm... Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn, bảo lãnh, tạo điều kiện phát hành trái phiếu đô thị.
Về vấn đề đời sống dân sinh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch thoát lũ, quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương quản lý theo quy hoạch và khai thác vùng đất ngoài đê. Hiện, khu vực ngoài đê ở các quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) có khoảng 35 vạn người đang sinh sống. Do khu vực đất này thuộc phạm vi quản lý của Luật Đê điều nên không thể xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, y tế để phục vụ người dân. “Đề nghị Chính phủ sớm quan tâm để các địa phương có thể xây dựng các công trình đảm bảo an sinh xã hội phục vụ Nhân dân ngoài đê” - Chủ tịch UBND TP kiến nghị.
Hội nghị trực tuyến kết sẽ thúc vào sáng nay (29/12) với nhiều kết luận quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Anh Quý
|
Năm 2015, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,24% (năm 2014 là 8,8%); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 1%. Tính đến ngày 26/12, thu ngân sách đạt 148.271 tỷ đồng (bằng 104,6% dự toán); môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; chỉ số cải cách hành chính (PCI) tăng; số DN thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn; an sinh xã hội được đảm bảo, đã giải quyết việc làm cho 148.000 lao động; công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến nay đã có 53 xã, 1 huyện đạt chuẩn... |