Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế quý I/2013: Chuyển biến nhưng chưa rõ nét

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu tổng quát năm 2013 của nước ta là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... Vậy, tiến độ thực hiện trong quý I ra sao?

Kinh tế quý I/2013: Chuyển biến nhưng chưa rõ nét - Ảnh 1
 
Ổn định kinh tế vĩ mô

Một trong những kết quả nổi bật trong quý I là ổn định cán cân thương mại, được thể hiện trên hai mặt: Đó là kim ngạch xuất khẩu tăng với tốc độ khá cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 19,7% so với 10%). Mới qua 2 tháng, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dầu thô;…). Đây là những tín hiệu khả quan để cả năm nay sẽ tiếp tục vượt xa so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng cao như trên càng có ý nghĩa trong điều kiện nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam đưa ra các hàng rào kỹ thuật, như kiện bán phá giá, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, giảm giá đồng tiền để bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước... 
 
Bên cạnh đó, do xuất khẩu tăng cao và đạt quy mô lớn hơn nhập khẩu, nên nếu cùng kỳ năm trước bị nhập siêu (145 triệu USD), thì 3 tháng năm nay đã xuất siêu (ước đạt 481 triệu USD). Đây cũng là tín hiệu khả quan để cả năm sẽ không nhập siêu lớn (kế hoạch năm nay là 8% so với kim ngạch xuất khẩu với mức 10 tỷ USD).

Tốc độ tăng, giảm một số chỉ tiêu chủ yếu quý I/2013 so với cùng kỳ năm trước (%)

Kinh tế quý I/2013: Chuyển biến nhưng chưa rõ nét - Ảnh 2


Nguồn: Tổng cục Thống kê


Do cán cân thương mại thặng dư, cộng với các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam và việc thu hút lượng ngoại tệ từ các DN, người dân, nên dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng, theo ước tính đã đạt trên 14 tuần nhập khẩu, vượt qua ranh giới an toàn 12 tuần theo thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, về cân đối ngân sách, mục tiêu đề ra cho năm nay theo dự toán cả năm là 4,8% GDP. Ước tính 3 tháng đầu năm, tỷ lệ so với dự toán cả năm của thu ngân sách thấp hơn của chi ngân sách (16,7% so với 17,6%) đã làm cho bội chi ngân sách/dự toán năm tăng lên. Việc thực hiện dự toán cả năm sẽ khó khăn do phải thực hiện cắt giảm, giãn hoãn, trong khi chi từ ngân sách phải tăng lên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu...

Lạm phát thấp hơn 

Giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,19% là tin vui đối với người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Đây cũng là tín hiệu để các nhà hoạch định chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong việc hạ lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu, các chính sách tài khoá trong việc cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu, đẩy mạnh các khoản chi để thực hiện tái cơ cấu... Trong các yếu tố làm cho CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp (tăng 2,39%) có một yếu tố đáng quan tâm là do tổng cầu bị "co lại", gây ra hiệu ứng phụ đối với sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Do vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, T.Ư và địa phương, không cẩn trọng về liều lượng, thời điểm điều chỉnh và không có sự giảm sát kiểm tra chặt chẽ sẽ tạo cộng hưởng làm cho lạm phát cao trở lại.

Tăng trưởng chưa bền vững 

Tốc độ tăng của quý I năm nay đạt 4,89% (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,90%, quý I/2012 tăng 4,75%). Tốc độ tăng này càng có ý nghĩa trong điều kiện ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và trên thực tế đã có kết quả tích cực. Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, nhóm ngành dịch vụ tăng với tốc độ cao trong khi nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng tăng với tốc độ thấp hơn cho thấy mức tăng chưa bền vững. Điều đó cũng có nghĩa là cần phải giải quyết các khó khăn đang cản trở đến sự phát triển của 2 nhóm ngành này bởi thực tế các điểm nghẽn lớn (nợ xấu, tồn kho, bất động sản…) chuyển biến còn chậm.