Kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng cao

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/10, Báo cáo về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019 của thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) cho thấy, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và có nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày báo cáo tại hội nghị.
Kinh tế tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của DN và toàn thể Nhân dân, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đạt được kết quả toàn diện: GRDP tăng 7,35% (cao hơn cùng kỳ là 7,01%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 185.031 tỷ đồng và đạt 70,3% dự toán (tăng 14,3% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 21,6%); kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 23 tỷ USD, tăng 2% (cùng kỳ tăng 6,5%).
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng ước đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% (cùng kỳ năm 2018 đạt 219,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%). Vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 3,40 triệu tỷ đồng, tăng 9,63% so với 31/12/2018 (cùng kỳ tăng 9,99%). Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm và chiếm 1,98% tổng dư nợ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,74% (cùng kỳ tặng 3,99%), trong đó, tăng cao nhất là các nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63 và hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao và đạt 6,23 tỷ USD, dẫn đầu cả nước; doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cả về số lượng (tăng 9%) và vốn đăng ký (tăng 28%). Hà Nội đón 21,55 triệu lượt khách du lịch (tăng 9,5%), trong đó khách du lịch quốc tế đạt 4,71 triệu lượt (tăng 10,1% so với cùng kỳ). Ngoài ra, công tác xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả nổi bật; tỷ lệ huyện, xã đạt chuẩn NTM tăng cao so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, có 6 huyện và 325/386 xã (đạt 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
An sinh xã hội được đảm bảo; dịch bệnh trên người được kiểm soát tốt; công tác giảm nghèo được sự quan tâm của cả chính quyền và cộng đồng. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục tiếp tục phát triển; các lễ hội được quản lý tốt; đã tổ chức và phối hợp với T.Ư tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng.
Đối với Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, xây dựng các huyện thành quận được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát; thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, tuyển dụng, đào tạo công chức, viên chức. Công tác quốc phòng được củng cố, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân; diễn tập phòng thủ diễn ra an toàn tuyệt đối, đạt kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển toàn diện, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước được quan tâm đẩy manh, khẳng định rõ nét vị thế dẫn đầu của Thủ đô.
 Quang cảnh hội nghị.
Công tác quản lý, phát triển đô thị chuyển biến tích cực
Quản lý đô thị được đẩy mạnh; công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới; cung cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường được duy trì, tăng quy mô và nâng cao chất lượng; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản; trồng và chăm sóc câyxanh tiểp tục được đẩy mạnh, diện tích phủ xanh tăng cao so với cùng kỳ. 
Các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Đến nay, TP đã phê duyệt 57/68 đồ án (gồm 26/35 quy hoạch phân khu và 31/33 quy hoạch chung; tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%); 10 đồ án khác đang được hoàn chỉnh.
Đối với quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung: Đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 khu (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), xem xét điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Cô Bi, huyện Gia Lâm) và đang xây dựng nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Tổ chức thống kê rà soát và xác định 311/386 xã thuộc 17 huyện phải lập điều chỉnh quy hoạch NTM. Đến nay, UBND các huyện đã phê duyệt nhiệm vụ 225/311 xã, phê duyệt 215 quy hoạch chung xã nông thôn mới theo thẩm quyền. Trong đó, có 10 huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh) đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung các xã. 
UBND các quận đang triển khai thực hiện 12 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc làm cơ sở quản lý trật tự xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để lấy y kiến Bộ Xây dựng. Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc, quận Hà Đông và Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 04 quận trung tâm; Quy hoạch các khu chung cư cũ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần