Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế, thương mại Việt - Trung: Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển

Hà Giang –  Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định này xuất phát từ các con số thống kê chủ yếu phản ánh quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, đầu tư trực tiếp (FDI) và số khách từ Trung Quốc đến Việt Nam trong thời gian qua.

Những dấu mốc

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết một loạt hiệp định hợp tác, thương mại, kinh tế kỹ thuật và cùng trở thành thành viên WTO. Năm 2004, Trung Quốc và ASEAN ký hiệp định tự do thương mại, có hiệu lực từ 2005. Những dấu mốc hội nhập đã định hình và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Theo đó, giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh và liên tục trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Về giá trị, trong giai đoạn 13 năm (2000 - 2013) hàng hóa nhập khẩu tăng gần 26 lần, từ 1,4 tỷ USD lên 36,9 tỷ USD.
Doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Hoàng
Doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Hoàng
Đây cũng là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ nhập khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Riêng trong năm 2000, Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng trong các năm tiếp theo, Việt Nam liên tục nhập siêu và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn. Giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2- 3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã tăng lên con số kỷ lục là 32 tỷ USD trong năm 2015. Tương tự, mức độ tập trung trong nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng rất lớn với một số mặt hàng như sản phẩm cơ khí, điện tử, nguyên liệu dệt may...

Mặc dù cơ cấu hàng xuất khẩu có cải thiện theo chiều hướng tích cực. Giai đoạn 2000 - 2006, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng xăng dầu và các hàng hóa sơ chế (87,5%, gồm lương thực, thực phẩm sơ chế và công nghiệp trung gian sơ chế), thì trong giai đoạn 2010 – 2013, nhóm hàng này giảm còn 31,4% vào cuối 2013. Các nhóm hàng qua chế biến, hàng hóa thâm dụng vốn nhiều hơn xuất sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng tốt về giá trị và cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 66 tỷ USD.

Nhiều dư địa hợp tác

Dù đạt được kết quả ấn tượng, nhưng chuyên gia kinh tế Việt – Trung nhận định trao đổi thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, Việt Nam vẫn là “vùng đất hứa” của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Trung Quốc có thể đón bắt để đầu tư.

Ngoài sự ổn định chính trị, xã hội, dân số vàng, lao động trẻ, giá nhân công rẻ…, Việt Nam còn có lợi thế mà nhiều DN Trung Quốc công nhận là vị trí địa lý… Sự hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực của Việt Nam cũng là điểm cộng mà nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cân nhắc. Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam còn có quan hệ kinh tế - thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.

Nhận định cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác tại Việt Nam rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chính phủ đã có những bước chuyển trong quan điểm và chính sách mời gọi nhà đầu tư. Với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi DN, cả trong và ngoài nước. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, công tác hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh được tập trung triển khai. Trao đổi với lãnh đạo các DN hàng đầu Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bây giờ nhiều giấy phép ở Việt Nam chỉ cấp 1 ngày là xong, chậm nhất không đến 5 ngày. Ngày trước là tiền kiểm, còn gây khó khăn cho DN thì nay hậu kiểm là chính”.

Những cam kết và hành động thiết thực, hiệu quả của Chính phủ đã giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi thực hiện các dự án tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam một lần nữa trở lại ấn tượng trên bản đồ châu Á với vai trò là “con rồng” thế hệ mới. Lãnh đạo của nhiều “gã khổng lồ” những lĩnh vực quan trọng như tài chính, công nghệ thông tin, xây dựng của Trung Quốc như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Tập đoàn Hoa Vi (Huawei), Tập đoàn Trung Hưng Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Công ty TNHH cổ phần Hoa Hạ Hạnh Phúc… khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đã bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo lãnh đạo các tập đoàn này, Việt Nam là nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực, mở ra nhiều cơ hội để đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các DN Trung Quốc.

Sự chuyển dịch đáng mừng
Dự báo năm 2016 tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam – Trung Quốc sẽ đạt 68 tỷ USD. FDI đăng ký lũy kế sẽ vượt mức mốc 11 tỷ USD, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ vượt qua mốc 2,6 triệu lượt khách.

Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ là đối tác đầu tư triển vọng mà còn tiếp tục là thị trường XNK lớn của Việt Nam nhưng 8 tháng qua, cán cân này đã có những thay đổi. 8 tháng năm 2016 kim ngạch XNK với Trung Quốc là 44,2 tỷ USD trong khi với thị trường Hoa Kỳ là 29,8 tỷ USD, với EU là 28,8 tỷ USD, với ASEAN là 26,3 tỷ USD, với Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 18,8 tỷ USD và 27,3 tỷ USD… Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng ghi nhận mức tăng 15%, cao hơn tốc độ tăng chung (5,5,%) của cả nước. Cơ cấu mặt hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc có 33 mặt hàng đặt trên 10 triệu USD. Lớn nhất là máy tính, tiếp đến là rau quả, xơ sợi dệt, dầu thô… Nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc 8 tháng giảm 2,8%, tập trung vào 42 mặt hàng (đạt trên 10 triệu USD). Đặc biệt có 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD gồm: Máy móc 4,95 tỷ USD; Điện thoại 3,32 tỷ USD; Máy tính 3,01 tỷ USD; Sắt thép 2,52 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may 1,07 tỷ USD…

Trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm 2016 đã có sự chuyển dịch khi XK của Việt Nam vào thị trường này tăng, NK giảm khiến cán cân nhập siêu được cải thiện. FDI từ Trung Quốc trong 8 tháng qua đứng thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, tổng số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đạt 10,73 tỷ USD, đứng thứ 9. Đó là chưa kể đến số vốn mà các DN Trung Quốc trúng thầu ở nhiều công trình của Việt Nam.

Trong khi đó, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đông nhất trong các nước và vùng lãnh thổ, chiếm 27,2% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 57,9% cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng (25,4%).

Trên thế giới, thuật ngữ “ngoại giao kinh tế” đã không còn xa lạ với các chuyến “công du bán hàng” được lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp… liên tục thực hiện. Các hợp đồng, thỏa thuận được ký kết trị giá hàng trăm triệu hay hàng tỷ USD là minh chứng rõ ràng cho thành công của các chuyến thăm đa mục đích này. Với lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ và đối thoại với các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Trung Quốc và các thỏa thuận quan trọng ký kết với giới chức chủ nhà, có thể nói chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Những cam kết hợp tác, các vướng mắc được lãnh đạo Chính phủ trực tiếp giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ sẽ mở ra một trang mới năng động hơn, thực chất hơn, tích cực tạo đà phát triển lành mạnh, có chiều sâu cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thị trường lớn với doanh nghiệp Hà Nội

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, kim ngạch XNK của Hà Nội với các đối tác Trung Quốc tập trung vào các mặt hàng, cơ kim khí, linh kiện điện tử, rau hoa quả, dệt may, nông sản… Năm 2015, kim ngạch XK của Hà Nội sang thị trường Trung Quốc đạt 1,309 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng kim ngạch XK của Hà Nội. Mặt hàng chủ yếu của Hà Nội XK sang Trung Quốc là cơ kim khí 45,5%, linh kiện điện tử - máy tính 5%, rau hoa quả 7,9%, dệt may 3,2%, nông sản 4%. Cũng trong thời gian này, các DN Hà Nội đã nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 6,529 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25,4% tổng kim ngạch NK của Hà Nội. Mặt hàng NK chủ yếu  là: Máy móc thiết bị phụ tùng (chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch NK của Hà Nội từ Trung Quốc); Khoáng sản (13,1%); dệt may (7%); linh kiện điện tử - máy tính (7%), dược phẩm (1%). Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất và là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam. Do có chung đường biên giới nên chi phí vận chuyển hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc thấp hơn thị trường EU, Nhật, Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường "dễ tính" vì nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc gần giống người dân Việt Nam. “Với một thị trường rộng lớn và tương đối dễ tính sẽ là cơ hội cho Việt Nam tăng lượng hàng XK sang Trung Quốc trong thời gian tới" - ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định. (Hoài Nam)