Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Trung Quốc: Bức tranh màu xám

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm phát đeo bám hay nguy cơ “hạ cánh cứng”, nhiều nghi ngại đang dấy lên khi một loạt chỉ số kinh tế tháng 9 vừa được công bố cho thấy diện mạo không mấy khả quan của kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số PPI giảm tháng thứ 43 liên tiếp

Nguy cơ giảm phát đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cao khi số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 14/10 cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng chậm hơn cả mức dự báo và cùng kỳ tháng trước, đồng thời chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục chuỗi đà giảm liên tiếp tháng thứ 43.

Bên cạnh đó, bức tranh thương mại cũng không mấy tươi sáng khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm trong tháng 9. Theo số liệu công bố ngày 13/10, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc lần lượt giảm 1,1% và 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo sang tháng thứ 11 và thứ 3 lao dốc liên tiếp.
Kinh tế Trung Quốc chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.
Kinh tế Trung Quốc chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.
Những chỉ số này cho thấy nhu cầu thị trường thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc, và ngược lại, nhu cầu của Trung Quốc với hàng hóa cơ bản của thị trường toàn cầu đều theo xu hướng giảm. Điều này báo trước những thách thức kéo dài với ngành sản xuất của Trung Quốc, cũng như thúc đẩy Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong thời gian tới, Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) có thể tiếp tục mạnh tay đưa ra những chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh vẫn còn dư địa. Mức lạm phát tiêu dùng liên tục trượt khỏi mục tiêu 3% cả năm, do đó, PBoC có thể phải tiếp tục bơm tiền vào thị trường thông qua kênh vay vốn của các ngân hàng thương mại, sau khi đã hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái.

Hạ cánh cứng

Các nhà đầu tư từng bày tỏ lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ “hạ cánh cứng”, phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái.

Nỗi lo vỡ bong bóng thị trường chứng khoán đã tạm ngưng trong thời gian gần đây sau khi chính phủ đã mạnh tay can thiệp sau đợt “bốc hơi không phanh” vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn đối diện nhiều nguy cơ giảm tốc, trong đó có bong bóng tín dụng và sự chững lại của lĩnh vực bất động sản (BĐS). Chỉ số nợ/GDP lĩnh vực tư của nước này vẫn ở mức 196%, lớn hơn phương hướng dài hạn 40% - vượt xa Mỹ vào giai đoạn đỉnh điểm bong bóng tín dụng. Thị trường BĐS đã giảm tốc dần từ năm 2014 với sự lao dốc của tốc độ tăng giá nhà ở, số lượng giao dịch và đầu tư. Với việc đóng góp 1/3 lợi nhuận chính phủ địa phương, chiếm hơn 50% các khoản vay ngân hàng và gần 1/5 GDP, đây thực sự là mối lo lớn của Trung Quốc.

Những vấn đề tích tụ đã thôi thúc chính quyền Bắc Kinh xúc tiến chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa chủ yếu vào đầu tư sang tiêu dùng. Tuy nhiên, những số liệu tiêu cực kể từ đầu năm đến nay cho thấy quá trình này vẫn còn là một con đường dài đối với Trung Quốc. Trên con đường đó, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chưa thể ổn định trong ngắn hạn và những “cái xấu”, “cái hạn chế” sẽ còn tiếp tục phô bày.