Kinh tế tư nhân - rường cột phát triển đất nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ, TP Hà Nội đã có những chính sách đột phá nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Song, để khu vực KTTN trở thành gường cột trong phát triển đất nước vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trụ cột thúc đẩy tăng trưởng

Phát triển KTTN trong mấy năm gần đây đã khẳng định Nghị quyết số 10/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư khóa II dần đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Đơn cử, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của nhiều DN tư nhân tạo ra bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng du khách vào nội địa trên 10%/năm. Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến năm 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước...
 Công nhân Nhà máy Cơ khí Sao Việt đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Khắc Kiên
Khu vực KTTN của Việt Nam hiện có khoảng gần 800.000 DN đang tạo ra khoảng 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế Nhà nước gần 30% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI khoảng 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới trên 85% GDP). Trong đó, KTTN trên địa bàn Hà Nội phát triển cả về lượng và chất, đóng góp ước trên 22% GRDP năm 2020, tăng hơn 1,2 % so với năm 2015, thu hút khoảng 83% tổng số lao động xã hội. Thực chất, khu vực KTTN của Thủ đô là các DN nhỏ và vừa đã đóng góp gần 40% GRDP và 50% lao động, 15% thu ngân sách; một phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Để thành quả này duy trì và lớn mạnh, song song việc phát triển kinh tế Nhà nước phải chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển.

Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh

Thực tế cho thấy, hiện đang thiếu sự đánh giá đúng mức cũng như sự quan tâm trong chính sách, giải pháp đối với DN nhỏ và vừa của TP nói riêng, Việt Nam nói chung. Bởi vậy, rất cần chủ trương về tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ phát triển các hiệp hội DN và nghề nghiệp theo hướng kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, mở rộng quy mô, phạm vi, số lượng thành viên, đa dạng hóa nội dung. Đồng thời đổi mới, hiện đại hóa phương thức và nâng cao nhiệu quả hoạt động phù hợp các quy định pháp lý hiện hành, cam kết và thông lệ trong hội nhập quốc tế thời gian tới, cả trên và ngoài địa bàn Thủ đô...

Trong đó, nên chủ trương tăng vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong thực hiện một số chức năng tổ chức và hỗ trợ DN. Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan chức năng của Thủ đô và T.Ư, các địa phương khác trong việc nghiên cứu triển khai một số chương trình hỗ trợ DN về tạo sản phẩm mới; ứng dụng chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO trong quản lý, điều hành DN… nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển, hiện đại hóa cộng đồng DN. Từ đó nâng cao năng lực, chất lượng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của DN; chủ động nắm bắt những cơ hội, nhất là của Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế; mở rộng hợp tác với các Thủ đô, TP tiềm năng.

Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại Nhân dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội” trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt nắm chắc tình hình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp Nhân dân, doanh nhân và người lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát sinh.

7 vấn đề cốt lõi

Là cầu nối với vai trò của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), để tạo điều kiện cho DN hoạt động, thứ nhất nên khuyến khích các DN đầu tư vào những lĩnh vực có đóng góp cho xã hội. Thứ hai, cần nghiên cứu đồng bộ hoá cơ chế, chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm hỗ trợ DN về khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại… Thứ ba, bám sát, cập nhật, đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần giúp DN có định hướng sản xuất phù hợp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ DN mới trong việc định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, khuyến khích DN sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao, hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Thứ năm, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ DN. Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các sở, ngành chuyên ngành và quân, huyện trong các lĩnh vực thuộc thủ tục hành chính. Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các kiến nghị, đề xuất của DN và kết quả thực hiện công vụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia, tập trung vào hai cơ sở: Hình thành trung tâm tài chính khu vực, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Muốn vậy, cần bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, không quá ưu tiên cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, DN tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI. Trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ DN tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế...

Hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam mới được thế giới biết đến qua những tên tuổi của của các Tập đoàn tư nhân như: VinGroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Và xe hơi VinFast, Cầu Vàng, Cảng hàng không Vân Đồn, hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airway... chính là những dấu ấn tiêu biểu của các thương hiệu Việt trong thời gian qua.


"Để DN tư nhân phát triển, cải cách thể chế cần phải tập trung vào cải cách chế độ sở hữu, chế độ hạn điền của Luật Đất đai, không tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị. Cần phải điều chỉnh lại hạn điền, để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình... Bên cạnh đó, DN Nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực DN Nhà nước vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của DN tư nhân.' - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần