Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR và cũng là chủ biên của báo cáo, kinh tế Việt Nam giống như một cỗ xe nặng nề đang chậm chạp đi vào tương lai trên một con đường gập ghềnh. Năm 2013 kết thúc đánh dấu giai đoạn 6 Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (2008 - 2013) với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức trung bình khoảng 5,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 6 năm trước đó (2002 - 2007). Đồng thời, lạm phát bình quân hàng năm trong giai đoạn 6 năm trước đó chỉ là 7,35%, còn giai đoạn hiện nay là 11,5%. Nhóm nghiên cứu nhận định, nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị chúng ta bỏ lỡ.
Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ nhưng cơ sở phục hồi vẫn còn mờ nhạt.Trong ảnh: Mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Big C.Ảnh: Tuấn Anh
Nhìn lại năm 2012, báo cáo chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ nhưng cơ sở phục hồi còn mờ nhạt. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03%, thấp hơn mục tiêu 5,5% đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% - thấp nhất trong 3 năm qua nhưng lại chủ yếu nhờ giá lương thực tăng trở lại thay vì sự gia tăng sản xuất, tiêu dùng. Năm 2012 cũng là năm không thành công về thực thi những ý tưởng chính sách đã đề ra. Tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được những tiến bộ đáng kể.
VEPR báo kinh tế 2013 tiếp tục đi ngang trong thế chờ đợi những điều chỉnh thực sự từ tái cơ cấu kinh tế. GDP có thể tăng 5,04% hoặc 5,35%, lạm phát tương ứng là 4,95% hoặc 6,64% - dự báo này khá tương đồng với dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đưa ra hồi tháng 4/2013. Như vậy, bức tranh kinh tế năm 2013 không mấy sáng sủa so với năm 2012. DN tiếp tục suy yếu, số lượng DN phải rút khỏi thị trường lên tới hàng vạn. Các giải pháp chính sách cũng không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn nguồn lực kém hiệu quả gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế.
Ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng
Từ thực trạng nền kinh tế, nhóm chuyên gia khuyến nghị, trong trung và ngắn hạn, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và hồi sinh khu vực DN. Sau sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là việc tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề hồi phục thị trường bất động sản để từ đó hỗ trợ hệ thống tài chính tín dụng phục hồi cũng là một nhu cầu cấp bách.
Về dài hạn, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đặt ra những bước đi cụ thể ngay từ lúc này, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp Nhà nước vào hoạt động kinh tế. Góp ý với nhóm nghiên cứu, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia chia sẻ, điều cần tập trung nhất hiện nay chính là tái cơ cấu. "Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ không lo ngại bị rơi vào vòng xoáy liên tục lạm phát hay suy giảm kinh tế" - ông Ngoạn nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, các giải pháp ngắn hạn có thể giải quyết được tạm thời những vấn đề gặp phải hiện nay nhưng để giải quyết triệt để các vấn đề nan giải như nợ xấu, thị trường bất động sản… thì phải cần kế hoạch mang tính dài hạn. Các chuyên gia cũng đồng tình với nhóm nghiên cứu khi cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chính là tiền đề cho các chính sách căn bản khác.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 gồm hơn 400 trang dự kiến được phát hành vào đầu tháng 7/2013. Ấn bản tiếng Anh được phát hành trên thị trường quốc tế một tháng sau đó.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 gồm hơn 400 trang dự kiến được phát hành vào đầu tháng 7/2013. Ấn bản tiếng Anh được phát hành trên thị trường quốc tế một tháng sau đó. |