Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam được IMF dự báo tăng trưởng 6%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo ông Benedict Bingham, tình hình xuất khẩu của Việt Nam hiện nay “thực sự tốt”, trong khi nhập khẩu được kiềm chế ở mức thấp hơn dự kiến.

KTĐT - Theo ông Benedict Bingham, tình hình xuất khẩu của Việt Nam hiện nay “thực sự tốt”, trong khi nhập khẩu được kiềm chế ở mức thấp hơn dự kiến.

Để làm được điều này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam cần cải thiện cán cân thanh toán cũng như niềm tin của người dân và các nhà đầu tư đối với đồng bản tệ.

Tăng trưởng 5,3% trong năm 2009 (mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua) kết hợp với mức thâm hụt mậu dịch lên tới 12,25 tỷ USD sau khi đã có thặng dư trong quý I, hãng tin Bloomberg cho rằng Việt Nam đã buộc hạ giá đồng tiền khi nhập khẩu vàng và mua đôla.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện IMF tại Hà Nội cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế trị giá 95 tỷ USD của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào cán cân thanh toán trong năm 2010. “Nếu tái cơ cấu nhằm ổn định lại các cân đối vĩ mô, tạo ra nhiều nhân tố thuận lợi cho đồng Việt Nam, tôi nghĩ nền kinh tế có thể tăng trưởng 6%”, Trưởng đại diện IMF nhận định.

Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng gói kích cầu mà Chính phủ Việt Nam thực hiện trong năm 2009 mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng gây áp lực không nhỏ lên cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế.

“Áp lực chủ yếu đè nặng lên cán cân thanh toán của Việt Nam hiện nay là mối quan hệ giữa sự thâm hụt mậu dịch ngày càng lớn và tâm lý thiếu tự tin, đặc biệt là của giới đầu tư trong nước, đối với đồng bản tệ”, ông Benedict Bingham nhấn mạnh.

Riêng đối với vấn đề xuất khẩu của Việt Nam, bà Johanna Chua, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Citigroup cho rằng tỷ giá hối đoái hiện nay khá thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo chuyên gia này, giá trị xuất khẩu của nền kinh tế đã đạt 5,25 tỷ USD trong tháng 12/2009, tăng 12% so với mức 4,69 tỷ USD của tháng 11, khi tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla Mỹ chưa được điều chỉnh. Riêng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng 12%, đạt 820 triệu USD, xuất khẩu giầy dép tăng 22%, đạt 420 triệu USD.

Theo ông Benedict Bingham, tình hình xuất khẩu của Việt Nam hiện nay “thực sự tốt”, trong khi nhập khẩu được kiềm chế ở mức thấp hơn dự kiến. Điều này khiến thâm hụt thương mại trong tháng 12 giảm đến 38% so với tháng 11, ở mức 1,3 tỷ USD (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). IMF nhận định xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12 chủ yếu được đóng góp từ các mặt hàng như gạo, cà phê và một số sản phẩm phi hàng hóa khác.

Trong khi đó, lạm phát trong tháng 12 của Việt Nam tăng lên mức 6,52% so với mức 4,35% của tháng 11. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP lại tăng lên mức 6,9% so trong quý IV (chỉ số này đạt 6,04% trong quý III.

“Để đảm bảo tăng trưởng và ổn định cho nền kinh tế, Chính phủ cần dành sự quan tâm lớn đến lạm phát, đặc biệt là đà tăng của giá của các mặt hàng hàng thiết yếu như lúa gạo hay xăng dầu”, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam kết luận.