GDP tăng, lạm phát được kiềm chế
Nhìn lại 6 tháng qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đánh giá: Các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Qua đó, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 mở rộng và trực tuyến với các lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương trong cả nước. Ảnh: TTXVN
"Tăng tổng cầu xã hội cần được xác định là nhiệm vụ tiên quyết để kích thích sản xuất kinh doanh...". Ông Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch UBND TP Hà Nội "Đề nghị Chính phủ cho gia hạn một số khoản vay ngân sách trước đó. Đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản sẽ giải quyết trên 2.000 căn hộ, rà soát, chuyển căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội, tập trung vào đối tượng công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang". Ông Lê Hoàng Quân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh "Nên nghiên cứu kỹ mảng tài chính công, tập trung vào các dự án trọng tâm, cấp bách lâu dài và có chính sách nới lỏng tài khóa, tập trung ngân sách, tạo điều kiện cho các địa phương. Kế hoạch kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên duy trì ở mức 7 - 8%". Ông Mai Văn Ninh Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa |
Tăng trưởng GDP có chiều hướng tích cực, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số CPI sau 7 tháng tăng liên tiếp đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013. So với tháng 12/2012, CPI tháng 6/2013 tăng 2,4% là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thừa nhận, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu ngân sách Nhà nước không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước…
Hà Nội đề nghị đẩy mạnh kích cầu
Góp phần quan trọng vào bức tranh khả quan của nền kinh tế là sự tiến bộ của các địa phương, trong đó có "đầu tàu" kinh tế TP Hà Nội. 6 tháng qua, Hà Nội tăng trưởng GDP trên địa bàn đạt 7,67%, tăng cao so với mức 6% của cùng kỳ 2012; CPI thấp hơn 5,76%, mức đầu tư toàn xã hội cũng đạt mức 101.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Riêng nông nghiệp đã "lột xác", từ mức tăng trưởng âm năm trước đã tăng trưởng 2,9 - 3%.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, để duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong 6 tháng kế tiếp, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo những cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an sinh đời sống nhân dân. Trong đó, tăng tổng cầu xã hội cần được xác định là nhiệm vụ tiên quyết với các biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong ngắn hạn mà trước hết là nới rộng hơn tín dụng trong giới hạn đảm bảo kiềm chế lạm phát mà vẫn kích thích được sản xuất, đảm bảo cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay và sản phẩm DN đến được người tiêu dùng với những hỗ trợ tăng sức mua, kích thích tiêu dùng.
TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ 100% vật liệu, các địa phương huy động nhân lực để xây dựng hạ tầng nông thôn. Đây là giải pháp vừa có ý nghĩa kích thích đầu tư, sản xuất trong ngắn hạn, vừa là nhiệm vụ lâu dài gắn với xây dựng nông thôn mới. "Chỉ với chi phí trung bình 200 tỷ đồng/xã đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề tăng trưởng đầu tư, lao động việc làm và khối lượng lớn hàng tồn kho trên địa bàn" - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chia sẻ.
Tán thành với những đề xuất của Hà Nội, trong phiên thảo luận, các địa phương bày tỏ mong muốn những chính sách điều hành sắp tới của Chính phủ đi vào chiều sâu hơn, giải quyết trúng những vấn đề, thách thức nổi lên mà trong đó, kích cầu để gián tiếp gỡ khó cho sản xuất cần được ưu tiên hàng đầu.
Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời cũng phải kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống tình trạng gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Sớm đưa Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, qua đó góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; quyết liệt xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, Các cấp, các ngành cần tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, giá cả; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. |
..