Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ họp cuối cùng QH khóa XIII: Đánh giá các mặt công tác trong nhiệm kỳ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/3, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc Kỳ họp 11 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2011-2016.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Năm 2016 cũng là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016-2020; là năm Quốc hội khóa XIII, các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ hoạt động của mình và là năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phúc tạp khó lương, trong nước còn khó khăn thách thức, vận hội và thách thức đan xen.
Toàn cảnh phiên khai mạc
Toàn cảnh phiên khai mạc
“Kỳ họp thứ 11 là thời điểm để cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới”, Chủ tịch Quốc hội nói.  

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cũng thật lớn lao! Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội; tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự theo tiến độ đã xác định; trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Theo Chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020... Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án luật: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi).

Do là kỳ họp cuối cùng của khóa XIII nên Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016. Các phiên thảo luận về những báo cáo này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Ngay sau phần khai mạc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo này của Chính phủ.

Quốc hội cũng đã nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10.
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ sau khi được bầu tại Kỳ họp 11
Theo chương trình chính thức vừa được thông qua tại phiên họp trù bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, từ ngày 30/3 đến 12/4, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước. Theo đó, ngày 30/3, Quốc hội sẽ thảo luận, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Cùng ngày, Quốc hội tiến hành các bước miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước sẽ được thông qua vào ngày 2/4. Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng như bầu nhân sự thay thế các chức danh này.

Ngày 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm và bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng - an ninh cũng như phê chuẩn thành viên thay thế các vị trí miễn nhiệm của hai Hội đồng này.

Theo quy định mới nhất của Nội quy kỳ họp Quốc hội, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.