Nghị quyết quyết có hiệu lực thi hành từ 1/2/2013. Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, uỷ viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.
Về mức độ tín nhiệm, Nghị quyết quy định 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HDND bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết cũng nêu rõ: UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi UBTVQH đề nghị; Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.
Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu khi: Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” năm liên tiếp…
Mức độ bỏ phiếu tín nhiệm là "tín nhiệm", "không tín nhiệm". Người có quá nửa tổng số phiếu “không tín nhiệm”, trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND.