Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; có hay không chấp nhận đơn tố cáo nặc danh…
Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật
Khẳng định việc ban hành Luật Tố cáo là cần thiết, song ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án Luật mới chỉ quy định giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; còn những vi phạm khác thì chưa. ĐB đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và đối với các tổ chức khác.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, hành vi vi phạm, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, Luật cần bổ sung trường hợp người nước ngoài bị tố cáo để bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh.
Bảo vệ người tố cáo là cần thiết
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, bản chất của quan hệ tố cáo, người tố cáo yếu thế hơn so với người bị tố cáo, nhất là tố cáo về hành vi tham nhũng. Do đó người tố cáo có quyền được bảo vệ. ĐB đề nghị, bỏ điều khoản quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố cáo là: "Gửi yêu cầu bằng văn bản về việc cần bảo vệ đến người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo". Bởi quy định như vậy là làm khó cho người tố cáo. Về nghĩa vụ, các ĐB cho rằng, nếu người tố cáo thực sự có trách nhiệm với xã hội thì phải tố cáo ngay từ khi có hành vi vi phạm chứ không phải chờ đến dịp bầu cử hay đại hội mới tố cáo. Đề nghị cần bổ sung thêm quy định về thời hiệu tố cáo là 3 năm, thời điểm tính thời hiệu tố cáo kể từ khi người tố cáo phát hiện ra hành vi vi phạm. Bởi, tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người tố cáo đối với xã hội.
Đông người cùng lúc tố cáo
Theo ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội), trường hợp nhiều người trực tiếp đến tố cáo, cần làm rõ việc cử người đại diện, bởi hiện có một số người đang lợi dụng việc tụ tập đông người để gây rối.
Liên quan đến báo chí, có ý kiến đề nghị, bỏ quy định cơ quan thông tin đại chúng nhận được tố cáo thì phải chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Bởi nếu vậy, sẽ làm ảnh hưởng đến việc điều tra xác minh thông tin sự việc của các cơ quan báo chí. Hơn nữa, công dân gửi tố cáo cho cơ quan báo chí là để cung cấp thông tin sự việc chứ không phải là nhờ để chuyển đơn; Đồng thời, quy định này cũng mâu thuẫn với Điều 7 của Luật Báo chí quy định cơ quan thông tin báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin.
* Chiều cùng này, Quốc hội nghe các Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá. Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trên.