Đại biểu Quốc hội nói gì trước phiên chất vấn?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại biểu cho biết sẽ tập trung chất vấn những vấn đề và định hướng lớn mà nhiều cử tri quan tâm. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng việc chất vấn theo hình thức mới lần này sẽ đi tới tận cùng vấn đề.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Nguồn: Quochoi.vn)

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 30/10 - 1/11 Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ngày 29/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho biết sẽ tập trung chất vấn những vấn đề và định hướng lớn mà nhiều cử tri quan tâm. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng việc chất vấn theo hình thức mới lần này sẽ đi tới tận cùng vấn đề.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người đã được chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay.
Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, qua đọc báo cáo của Chính phủ về các Nghị quyết liên quan đến 4 kỳ họp vừa qua, bản thân đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục như: Các đề án về giáo dục; thay sách giáo khoa…
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Tuấn cũng quan tâm nhiều đến vấn đề giao thông kết nối. Bởi, đây là vấn đề chung và tạo nguồn thu cho đất nước. Cụ thể, vấn đề kết nối các cảng biển với giao thông đường bộ nếu đồng bộ được tốt thì ùn tắc giao thông sẽ giảm và có kết nối mới thu hút được đầu tư, giảm giá thành để có thể cạnh tranh.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị).
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) kỳ vọng đây sẽ là kỳ chất vấn một cách tổng thể những vấn đề bức xúc từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo đó, có rất nhiều vấn đề mà cử tri đã đặt ra vậy các tư lệnh ngành đã giải quyết như thế nào, hay các tư lệnh ngành thậm chí đến Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã xử lý, giải quyết được gì về những vấn đề đó.
Bên cạnh đó, sẽ chất vấn cả vấn đề một số ngành còn chưa giải quyết được trong thời gian qua. Cụ thể, đối với vấn đề giải quyết việc làm cho sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng… Từ đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, cái mà các đại biểu quan tâm để chất vấn đó là những vấn đề lớn và định hướng lớn để có thể từ đó cơ cấu lại tất cả các hoạt động của nền kinh tế - xã hội.
Chia sẻ thêm suy nghĩ về điểm mới trong chất vấn lần này, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, cách thức trả lời chất vấn rất hay. Bởi, diện chất vấn sẽ rộng hơn và tổng thể hơn về mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn có sự thảo luận và tranh luận giữa người chất vấn với người trả lời chất vấn, thậm chí giữa những người chất vấn với nhau về những vấn đề chưa rõ. Điều này sẽ góp phần nâng cao được trình độ kiến thức và kỹ năng thảo luận, tranh luận từ đại biểu đến người chất vấn.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, cách thức chất vấn lần này dựa trên kinh nghiệm của các kỳ họp trước đó là đặt câu hỏi và trả lời ngay. Ngoài ra, chất vấn sẽ không còn đi theo nhóm vấn đề như trước mà đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, thấy cần phải trả lời ngay. Từ đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chất vấn tại Quốc hội cần đi tới tận cùng vấn đề và chất vấn phải là hình thức đối thoại để tìm ra vấn đề tồn tại, yếu kém cũng như cách khắc phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần