Thiếu vốn khiến dự án làm đường nằm chờ
Một số ĐB có ý kiến về những vấn đề tồn tại của ngành giao thông, như: kẹt xe, ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện đáng kể; chương trình vận tải hành khách công công vẫn chưa có bước phát triển đột phá để tiến tới dần thay thế loại hình giao thông chủ yếu hiện nay là xe 2 bánh; hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) chậm đầu tư; quy hoạch đường giao thông thiếu khả thi, kéo dài gây bức xúc cho người dân nằm trọng diện chờ giải tỏa…
Giải trình về các vấn đề này, đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cho biết theo kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ đầu tư 272 dự án HTGT đường, hầm, cầu… với nguồn vốn dự kiến là 363.000 tỷ đồng. Thế nhưng do thiếu nguồn lực, thành phố đã không thể thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Sau khi cân đối nguồn lực và thời gian còn lại từ 2018-2020, thành phố rút còn 74 dự án có tổng vốn đầu tư là 73.000 tỷ đồng. Các dự án được chọn ưu tiên đầu tư là các dự án giao thông đường trục, khu vực cửa ngõ, các dự án quan trọng…
Cũng theo đại diện Sở GTVT, vấn đề quy hoạch giao thông là một vấn đề khá khó khăn, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tiến hành rà soát và đang tiếp tục rà soát. Đối với nhóm đường giao thông là đường trục, đường liên khu vực… có trong quy hoạch giao thông được phê duyệt bằng quyết định 568 của Chính phủ thì vẫn giữ nguyên. Riêng đối với các tuyến đường nội khu thì có thể điều chỉnh…
Về nhóm vấn đề kẹt xe, ùn tắc giao thông, vận tải hành khách công cộng, theo đại diện Sở GTVT, hiện nay Sở GTVT đang hoàn thiện đề án tập trung phát triển hành khách công cộng để tiến đến hạn chế xe gắn máy; nghiên cứu phát triển các phương tiện xe mini bus từ 12-16 chỗ ngồi, có thể chạy được vào trong các tuyến đường nhỏ…
Những điều nhỏ nhặt nhưng gây bức xúc lớn
Theo ĐB Nguyễn Hồng Hà, trước đây thành phố đã tổ chức các năm chủ đề năm “trật tự đô thị”, năm “kỷ cương nếp sống văn minh đô thị”…, nhưng sau đó mọi việc vẫn như cũ, chẳng có gì thay đổi. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi mua bán, gây ùn tắc giao thông diễn ra khắp nơi, tạo nên một gánh nặng cho ngành giao thông phải giải quyết.
“Khái niệm ô nhiễm môi trường trước đây là ô nhiễm nguồn nước, khói bụi. Còn bây giờ có thêm các loại ô nhiễm khác như: ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm mùi. Buổi chiều, sau một ngày làm việc, tôi vào công viên tập thể dục, thấy người dân bày đồ nhậu, đem loa hát ầm ĩ. Càng gần các dịp lễ tết càng hát nhiều, có khi hát đến 1h -2h sáng. Nhà chị bạn tôi ở cách tiệm bán vịt nướng Vân Đình 10 căn, cả khu phố bị ảnh hưởng bởi mùi vịt nướng… Tôi thấy những vấn đề này tuy nhỏ nhưng nó gây bức xúc cho người dân, chẳng thấy ai xử lý. Những vấn đề hàng rong, ô nhiễm môi trường…, tạo ra một bộ mặt phố phường nhếch nhát, rất khó chịu”, ĐB Nguyễn Hồng Hà nói.
Giáo dục quá tải, đào tạo nghề chưa đạt yêu cầu
Tại phiên thảo luận tổ, rất nhiều ý kiến của các ĐB tập trung vào nhóm vấn đề GD&ĐT. Theo báo cáo của thành phố, mỗi năm số lượng học sinh tăng cơ học khoảng 15.000 em; mỗi năm thành phố phải xây dựng mới khoảng 1.000 phòng học với số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng thì mới cơ bản đáp ứng được chỗ học cho học sinh. Năm học 2018-2019, dù rất cố gắng nhưng thành phố cũng chỉ có thể xây dựng được hơn 800 phòng học mới. Mặc dù, đầu tư cho GD&ĐT được ưu tiên thế nhưng vẫn còn tình trạng quá tải trường lớp, sỉ số học sinh trong lớp vượt quy định…
ĐB Huỳnh Đăng Linh cho rằng cần phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất ngành GD&ĐT. Chẳng hạn trên địa bàn quận Phú Nhuận, chỉ tính riêng trục đường Hoàng Minh Giám, chỉ một Công ty Novaland đã đưa vào sử dụng gần 3.000 căn hộ mà không có trường học nào được xây dựng thêm! Con em của người dân sống trong các chung cư trên mới xây dựng buộc phải đưa vào trường Hồ Văn Huê… Từ thực tế trên, ĐB Huỳnh Đăng Linh đề nghị: “Khi phê duyệt quy hoạch phát triển các dự án bất đầu tư phải tính toán xây dựng các trường mới, buộc họ phải đóng góp”.
Về vấn đề đào tạo nghề, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, cho biết Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã khảo sát rất nhiều trường cao đẳng nghề, trung học nghề trên địa bàn. Phần lớn các trường đều có liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, nhưng phần nhiều là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tỷ lệ ra trường có việc làm là trên 70%. Tuy nhiên, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng đào tạo nghề như hiện nay là không đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
“Với chất lượng đào tạo hiện nay làm sao có thể tiếp cận công nghệ 4.0, tiếp cận với yêu cầu của các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, hiện đại?”, ĐB Tuyết Nhung bày tỏ sự lo lắng.
ĐB Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề, trước hết cần phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, học đại học không phải là con đường duy nhất để thành đạt. ĐB Ngọc Thúy đề xuất cần có chính sách khuyến khích học nghề. Cụ thể cần có chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp nhằm ưu tiên cho người học nghề; các địa phương có các loại học bổng hỗ trợ người học nghề. Có như vậy mới có thể khuyến khích, động viên học sinh theo học các trường dạy nghề.