Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chủ trương, trong 3 tháng còn lại của năm 2016 và quý I/2017 sẽ đưa ra xét xử 6 đại án tham nhũng. Một "kỷ lục" mới về tiến độ xét xử các vụ án kinh tế lớn, phức tạp, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Gọi là đại án bởi trong quá trình điều tra, kết luận và ra cáo trạng 6 vụ án, ít nhiều đã hé lộ một số vụ mà qua đó tiếp tục bị "lộ sáng" những tình tiết mới. Những đường đi chằng chịt trong một trận đồ bát quái của các nhóm trục lợi, vi phạm nguyên tắc kinh doanh của Nhà nước rồi sẽ được đưa ra ánh sáng và sẽ xử lý nghiêm minh, đem lại niềm tin đối với Đảng và chế độ. Qua đó sẽ gián tiếp chứng minh, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước vẫn luôn "nóng", đánh tan những nghi ngại trong dư luận rằng đang chững lại.
Tuy nhiên, để giảm tải các vụ án nổi cộm, tồn đọng lâu nay ở các cấp tòa án, Luật (sửa đổi) về PCTN cũng cần sớm hoàn thiện hơn, làm sao để người ta thấy sợ mà không dám tham nhũng. Còn nếu cứ như hiện nay, khi mà Luật còn nhiều lỗ hổng, thiếu những quy định cụ thể, cũng như chế tài xử lý thì quả là điều chưa ổn.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Trọng Lượng đã có một nhận xét rất đáng suy nghĩ: Qua thực hiện pháp luật về PCTN cho thấy việc thực hiện công khai minh bạch ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất nhiều hạn chế. Nhiều nơi còn lạm dụng khái niệm “bí mật nhà nước”, “bí mật công nghệ”, “bí mật kinh doanh”, “bí mật cá nhân”, hay lạm dụng cụm từ “nhạy cảm” để không cung cấp, không công khai thông tin liên quan đến kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nhiều nơi, việc công khai minh bạch chi tiêu phục vụ công tác của lãnh đạo, người đứng đầu còn yếu nên chưa có tác dụng phòng ngừa tham nhũng, lãng phí...
Chỉ khi nào có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả, chúng ta mới có thể chặn nổi sự quá tải các vụ án này đang ngày một nhiều hơn mà tòa án các cấp đang xét xử thì chưa được tương ứng, bị tồn đọng. Phải chăng chính vì lý do này khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về kết quả đấu tranh PCTN đang bị chững lại? Đó là vấn đề cần sớm được "giải mã" cho thật công tâm trong khi quyết tâm chính trị được phát đi từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn quyết liệt, bài bản, đặc biệt kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.