Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Bắt đầu từ thói quen nhỏ

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi học về, cậu bé vứt cái cặp lên bàn, quẳng đôi giày vào góc nhà, cởi áo khoác vắt lên cầu thang rồi tót ra đường chơi.

Bà nội cậu lại cặm cụi đi nhặt đồ của cháu sắp gọn vào đúng chỗ. Ngày nào cũng như ngày nào, bà như là cái đuôi đi theo để dọn dẹp cho thằng cháu nội. Bà luôn miệng nói với cậu bé, cần tập tính ngăn nắp, cái nào phải để vào chỗ ấy cho gọn. Nhưng lời nói gió bay, cứ tiện đâu là cậu vứt đó, không cần biết ai sẽ dọn. Chính bố mẹ cậu bé cũng bực mình về việc này, nhưng đành chịu, đánh mắng nó cũng bằng thừa.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện của cậu bé không phải là hiếm hiện nay khi những đứa trẻ luôn có người đi theo để dọn dẹp, giải quyết sản phẩm bừa bộn trong cuộc sống của trẻ. Và trẻ coi đó là chuyện đương nhiên. Có lẽ bà nội cậu bé trên sẽ tiếp tục đi theo cháu vừa mắng vừa nhặt đồ nếu bà không để ý đến những việc làm của đứa bé hàng xóm khi bé theo bà sang chơi.
Em bé hàng xóm ấy đến cửa nhà, đều biết tháo giày ra để ngăn nắp ngoài bậc hiên rồi mới đi vào nhà. Bà nội rất ngạc nhiên trước việc làm ấy. Bà càng ngạc nhiên hơn khi vào nhà, bé nhặt ngay những đồ chơi rơi rắc dưới sàn để ngay ngắn lên bàn. Nó cẩn trọng xếp từng món theo thứ tự để có thể lấy được dễ dàng hơn. Bà thích thú bảo: “Cháu nhà bà còn bé thế mà đã ngăn nắp vậy, không bù cho thằng cháu nhà tôi. Đấy, đồ đạc nó cứ rải khắp nhà”. Bà em bé cười: “Tôi nói điều này bà đừng giận nhé, cũng do người lớn mình thôi bà ạ. Nhà tôi, ngày bé nó cũng cứ bày ra, nhưng tôi không nhặt hộ đâu. Tôi luôn hướng dẫn cháu nhặt, rồi xếp vào đúng chỗ. Rồi bản thân mình cũng phải ngăn nắp, từ đó nó học theo. Từ trong nhà, đến đi chơi, ra đường cháu đều có thói quen ấy. Tôi kể bà nghe, có lần cháu vào siêu thị, đi qua dãy hàng, thấy có đồ bị rơi xuống sàn, cháu nhặt lên, xếp đúng vào vị trí cũ, chính tôi cũng ngạc nhiên vì hành động ấy”. Bà như ngớ ra: À, tạo một thói quen tốt cho trẻ chỉ đơn giản thế thôi. Thế mà trước nay bà miệng mắng cháu, nhưng tay vẫn nhặt hộ nó. Do đó, nó ỷ lại, nó bắt nạt mình.
Nhiều khảo sát từ thực tế đã cho thấy, rèn tính ngăn nắp cho trẻ chính là dạy trẻ sống tự lập và cũng là cách bố mẹ dạy con cách tự quyết định và sắp xếp cuộc sống của mình. Bởi việc ấy không chỉ giúp trẻ tự ý thức được cuộc sống, biết tự chăm sóc bản thân, giúp cha mẹ "rảnh tay" hơn, mà còn là một trong những kỹ năng để trẻ phát triển trí tuệ, tính tự giác cao. Trẻ sẽ có thể nhớ lại các kiến thức đã học ở trường và học được cách giảm tâm lý căng thẳng, bởi trẻ có thể tự quản lý thời gian và giải quyết các bài tập về nhà một cách có thứ tự. Những kỹ năng cơ bản này sẽ là nền tảng của con đường dẫn đến việc thành công và sự thoải mái cho trẻ trong việc học. Và từ thói quen nhỏ ấy sẽ giúp trẻ chủ động tạo được cho mình một lối sống thật lành mạnh, trách nhiệm, đồng thời tạo điều kiện để trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống tương lai sau này.