[Kỹ năng sống] Dạy con từ thuở còn thơ

Thúy An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay, điều kiện sống của mỗi gia đình đều tốt, trẻ em cũng được chăm sóc kỹ hơn, nhưng nhiều gia đình chăm con kỹ quá, đến mức 20 tuổi đầu cũng không biết tự cắm được nồi cơm.

Rất nhiều phụ huynh chỉ lo chú trọng vào chuyện học hành của con mà quên mất rằng, ngoài những kiến thức ở trường lớp, bọn trẻ cần được học thêm nhiều kỹ năng sống khác từ chính những người thân trong gia đình mình.
Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, các cháu tôi sống ở nông thôn nhưng bọn trẻ không biết phân biệt các loại rau, dù chúng được trồng đầy ngoài ruộng, bởi chúng có bao giờ bước chân ra đến ruộng. Thậm chí dù đã 15 tuổi, nhưng cậu cháu trai chưa từng phải nhặt rau, ăn cơm xong có mỗi việc rửa bát nhưng hai anh em ngày nào cũng cãi nhau.
Nhờ việc gì cũng bảo “cháu không biết làm” thế là xong. Nhớ lại khi chúng còn nhỏ, mẹ tôi chẳng để chúng phải động tay việc gì, đến cái cốc chúng uống sữa xong cũng không phải rửa. Có lần tôi bắt cậu con trai khi ấy khoảng 8 tuổi tự đi rửa cốc của chính, mẹ tôi nghe thấy mắng tôi “nó bé thế biết đường nào mà rửa, để đấy bà rửa cho”. Nhưng tôi kiên quyết “cháu phải tự rửa cái cốc ấy”, cậu trai vui vẻ đi rửa, sau khi rửa xong thì phấn khích lắm vì mình đã có thể tự làm được một việc lớn, hớn hở quá vung văng làm rơi vỡ luôn cái cốc.
Bây giờ, khi cháu đã 15 tuổi ra dáng một thanh niên rồi thì mẹ tôi bắt đầu lo lắng, mà sự lo lắng này bắt nguồn từ lần đi đám cỗ nhà họ hàng, con rể nhà này hai mấy tuổi đầu, đến nhà bố vợ nhờ thái khoai tây để xào nhưng cu cậu cắt làm 4 vuông vức dày cộp khiến ai cũng buồn cười. Thế nên mẹ tôi sợ cháu trai bà cũng giống thế, nên về nhà bà phải dạy cháu ngay: khoai thái xào phải thái lát mỏng, còn hầm xương thì thái miếng vuông,…
Ngược lại, nhà chị gái tôi thì khác, con chị từ bé đã phải tự làm mọi việc có thể. Từ lúc 2 tuổi, con bé con nhà chị đã biết tự cởi bỉm mang vứt thùng rác, tự mặc quần áo, quần áo bẩn thay ra biết tự mang vào giỏ để giặt. Lúc đầu qua chơi, thấy con bé còn nhỏ mà chị sai đủ thứ nên bảo “sao cái gì chị cũng bắt nó làm thế, chị lười quá”, chị bảo “sai nó làm cho quen rồi lớn lên nó mới làm chứ không sau không biết và không muốn làm cái gì cả”. Đến giờ thì tôi thấy chị nói đúng, mấy đứa cháu nội của tôi lớn đùng rồi nhưng không biết làm gì cả, sáng dậy đi học không tìm thấy quần áo cũng phải gọi bố mẹ ông bà tìm cho. Còn bé cháu ngoại mới 6 tuổi đầu, nhưng tự làm tất cả những sinh hoạt cá nhân.
Rõ ràng, cách dạy con từ nhỏ giúp hình thành tính cách của bé khi lớn, đừng chờ bé lớn rồi mới dạy.