Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Khúc mắc trái chiều

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, có hai hiện tượng gần như trái ngược nhau nhưng lại được các nhà tâm lý cho là rất lôgic.

Trong khi tỷ lệ ly hôn liên tục tăng, ngược lại tỷ lệ các cặp vợ chồng quay lại với nhau cũng tăng theo, bởi chính sự thiếu chín chắn trong hôn nhân.
Hiện nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhiều khi rất nhỏ nhặt, rất nhiều cặp chia tay chỉ vì cái tôi của riêng mình. Không ít cặp vợ chồng suy nghĩ đơn giản rằng, thích thì đến không thích thì chia tay. Có những người chia tay chỉ vì người kia quản lý mình quá chặt đến nỗi cảm thấy ngột ngạt như tù giam lỏng, như bị đánh mất cả chính mình.
Căn nguyên sâu xa của vấn đề là người trong cuộc không có quá trình chuẩn bị trước khi tiến tới hôn nhân, không biết cách tổ chức cuộc sống và không biết cách giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Nhưng ở khía cạnh ngược lại, có những cái chỉ khi để mất nó ta mới nhận ra giá trị đích thực của nó, mới biết nó rất cần cho cuộc sống của mình. Trong tình yêu cũng thế, nếu sau khi đã chia tay người yêu một thời gian vì lý do nào đó, nhiều người lại cảm thấy đó là một người tốt, khó mà tìm thấy được một người như thế trong đời, họ đã tìm cách quay trở lại và xu hướng này đang tăng.
Một người phụ nữ chia tay chồng chỉ vì nghi anh phản bội. Dù anh giải thích thế nào, nhưng lúc đó chị chỉ cảm thấy như mình bị xúc phạm. Nhưng sau một thời gian, chính chị lại thấy ân hận vì cách hành xử của mình và chị muốn cho anh ta một cơ hội làm lành. Câu chuyện quay lại “mái nhà xưa” của chị không phải là cá biệt.
Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra, trong số những người tìm đến các trung tâm tâm lý chia sẻ về khủng hoảng sau ly hôn, có một con số không nhỏ cảm thấy ân hận vì quyết định của mình. Đa số những cuộc ly hôn vội vã để rồi sau đó phải ân hận thường là những cặp vợ chồng trẻ. Họ không tìm hiểu kỹ càng trước hôn nhân, thậm chí nhiều người trẻ chưa có thái độ thực sự đúng đắn khi kết hôn.
Đôi lúc đi chơi với nhau, thích nhau rồi lấy nhau mà không hề biết hôn nhân là gì. Do chưa chuẩn bị được tâm thế cho hôn nhân nên họ không ý thức được vấn đề quan trọng nhất giữa quan hệ hai người là gì. Họ không biết rằng, để duy trì hôn nhân, ngoài tình yêu ra còn là trách nhiệm.
Trong khi đó, về góc độ xã hội, các cặp vợ chồng đã có rất nhiều cái chung sau thời gian chung sống, rất khó xóa sạch hay làm mới trong một sớm một chiều. Về tâm lý, sau khi đổ vỡ, sau những phút giây bốc đồng, mỗi người sẽ tỉnh lại, ngộ ra những giá trị tình cảm lớn lao, cần thiết cho bản thân và cho những người thân của mình. Họ dễ quay lại cùng nhau cũng là một xu hướng tốt, nhưng cũng có nhiều điều cần suy ngẫm vì sự vội vã và coi nhẹ cuộc sống hôn nhân.
Theo các chuyên gia tâm lý, sau khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng thường trải qua ba giai đoạn: giai đoạn "làm quen thực tế", giai đoạn "nỗ lực thích nghi" và giai đoạn "ổn định cuộc sống". Do đó, trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất, tránh nghĩ ngay đến hai chữ “ly hôn”.