Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước
Kể từ khi thành lập cho đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã luôn làm tốt công tác tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành TT&TT Thủ đô: Đã tham mưu với UBND TP ban hành “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch phát triển bưu chính - viễn thông TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo với UBND TP về “Quy hoạch phát triển báo chí TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và đang triển khai xây dựng “Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động”. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch phát triển trung hạn, tạo nền tảng vững chắc cho công tác quản lý Nhà nước về TT&TT trên địa bàn...
Trong lĩnh vực CNTT, cùng với việc triển khai các văn bản, từ năm 2009 đến nay, Sở TT&TT đã tham mưu UBND TP thực hiện công tác kiểm tra, chấm điểm, xếp hạng và tổ chức trao giải thưởng “Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của TP” hàng năm giúp cho hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của TP ngày càng được đẩy mạnh, đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ cải cách hành chính. Đến nay, các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử Thủ đô đang dần được hoàn thiện. Cụ thể, hệ thống mạng tin học diện rộng - mạng WAN đã kết nối từ UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đến tận xã, phường, thị trấn; Trung tâm Dữ liệu Nhà nước TP - “trái tim” của nền hành chính điện tử được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế là trung tâm mạng WAN, đồng thời là nơi tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung của TP; Cổng thông tin điện tử TP hoàn thành nâng cấp mở rộng là nền tảng để xây dựng, tích hợp các cổng thông tin điện tử của các cơ quan, các ứng dụng dùng chung, đặc biệt là các ứng dụng, các dịch vụ công phục vụ công dân và DN. Với những kết quả đạt được như trên đã bước đầu tạo nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô, đảm bảo phục vụ tốt người dân và DN, cũng như góp phần đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính TP, thúc đẩy cải cách hành chính và góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Theo kết quả đánh giá, xếp hạng được công bố năm 2014, Hà Nội xếp thứ 3 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông của cả nước (tăng một bậc so với năm 2013), xếp thứ hai về mức độ ứng dụng CNTT (giữ nguyên bậc so với năm 2013 và tăng 17 bậc so với năm 2012).
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT TP Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình. Sở đã đề xuất UBND TP và trình Bộ TT&TT công nhận Cụm Tiểu thủ công nghiệp quận Cầu Giấy là Khu CNTT tập trung Cầu Giấy - Hà Nội; Tham mưu UBND TP phê duyệt chủ trương địa điểm quy hoạch “Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội” với quy mô khoảng 80ha tại xã Nguyên Khê và xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài); Đồng thời, Sở cũng triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động của các khu CNTT tập trung, tháo gỡ khó khăn cho các DN CNTT trên địa bàn.
Hiệu quả trong quản lý bưu chính - viễn thông
Để làm tốt công tác này, bên cạnh việc tích cực tổ chức triển khai “Quy hoạch phát triển bưu chính - viễn thông TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Sở đã tham mưu TP ban hành Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Đề án xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở tích cực tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các quy định của Nhà nước về quản lý các trạm BTS, đại lý internet, thuê bao di động trả trước, chống thư rác, hoạt động quảng cáo rao vặt... góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân và được xã hội đồng tình hưởng ứng. Trên 5.565 số điện thoại quảng cáo rao vặt, 37 đầu số và 357 số điện thoại tin nhắn rác, nhắn tin lừa đảo vi phạm bị ngừng cung cấp dịch vụ... Sở cũng đã ký kết với các DN trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông về sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với 6 DN viễn thông triển khai thí điểm được 1.200 điểm cơ sở hạ tầng dùng chung (trạm BTS).
Đặc biệt, trong năm 2014, Sở TT&TT đã chú trọng vấn đề quản lý sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi, quản lý duy trì vận hành hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung, góp phần hiệu quả trong việc chỉnh trang môi trường đô thị thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”.
Tăng cường quản lý báo chí – xuất bản
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài việc tham mưu UBND TP trong việc xây dựng Quy hoạch “Phát triển báo chí TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Sở TT&TT cũng triển khai hiệu quả Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn TP và triển khai Đề án Hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan báo chí Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015. Phối hợp với các cơ quan báo chí T.Ư và TP làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm của TP trong từng thời kỳ, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Công tác quản lý thông tin trên hệ thống báo điện tử, mạng xã hội, các blog cá nhân được tăng cường, nhắc nhở, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chú trọng đến phát triển văn hóa đọc thông qua việc tham mưu TP tổ chức Hội sách và Ngày sách Việt Nam. Hội sách Hà Nội 2014 lần đầu tiên được tổ chức đã thực sự là ngày hội của những người yêu sách, là dịp tôn vinh văn hóa đọc và cũng là môi trường để tất cả các đơn vị xuất bản - in - phát hành sách và hoạt động - kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa - truyền thông có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, khẳng định và quảng bá thương hiệu.
Đáng chú ý là công tác thông tin đối ngoại những năm gần đây được Sở TT&TT chú trọng và đặc biệt quan tâm. Sở đã xây dựng và trình UBND TP ban hành Đề án tăng cường đầu tư, quản lý và phát triển thông tin đối ngoại TP Hà Nội giai đoạn 2013 – 2020; thường xuyên phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại TP cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại TP. Sở đã tham mưu UBND TP tổ chức thành công Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử. Đặc biệt, trong năm 2014, Sở đã tích cực hướng dẫn tuyên truyền về đấu tranh, giữ vững chủ quyền biển đảo, khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Công tác đưa thông tin về cơ sở cũng được chú trọng, nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ thông tin của đồng bào dân tộc và địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Một chặng đường mới lại mở ra với nhiều cơ hội song cũng nhiều thử thách mới. Để TT&TT thực sự là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Sở TT&TT Hà Nội đặt mục tiêu: Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT; Sáng tạo, nhạy bén trong triển khai các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú trao Bằng khen cho các đơn vị tại Lễ công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013.
|
Từ khi thành lập đến nay, Sở TT&TT đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy. Hiện nay, Sở gồm có 8 phòng ban chuyên môn, 7 đơn vị sự nghiệp với 336 công chức, viên chức, người lao động có trình độ cao. |