Kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Thanh Trì: Phấn đấu sớm xây dựng huyện trở thành quận giàu đẹp, văn minh

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 60 năm đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển (31/5/1961 - 31/5/2021), ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thanh Trì. Cùng nhìn lại sự đổi mới và những thành tựu đạt được với bao niềm tự hào, với niềm tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân Thanh Trì đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, khắc phục những khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra, phấn đấu sớm xây dựng huyện trở thành quận giàu đẹp, văn minh.

Đảng bộ và Nhân dân huyện Thanh Trì phấn đấu sớm xây dựng huyện trở thành quận giàu đẹp, văn minh
Những trang sử hào hùng
Huyện Thanh Trì xưa có tên gọi là Tây Phù Liệt, là khu vực cát cứ của sứ quân Nguyễn Siêu, thế kỷ X. Vào thời Trần, nơi đây được gọi là Long Đàm (Đầm Rồng), đến thời thuộc Minh đổi thành Thanh Đàm (Đầm nước trong). Đến thời Lê Trung Hưng, Thanh Đàm đổi thành Thanh Trì.
Ngày 31/5/1961, theo Quyết định số 78/CP của Hội đồng Chính Phủ, 10 xã của quận VII hợp nhất với 11 xã và 1 thị trấn của huyện Thanh Trì (Hà Đông cũ) để lập nên huyện Thanh Trì - một trong 4 huyện ngoại thành của Hà Nội.
Thanh Trì tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng là quê hương của Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An - người thầy muôn đời, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm.
Thanh Trì còn là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước. Trong những năm đầu thế kỷ XX, huyện Thanh Trì là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng vùng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên của địa phương đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đây cũng là quê hương của đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lâm thời; đồng chí Vương Thừa Vũ - nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì đã kiên cường chiến đấu, chống địch càn quét, uy hiếp, chiếm đóng để giữ vững cơ sở, bảo vệ lực lượng kháng chiến, cùng với Thủ đô Hà Nội và cả nước tiến hành kháng chiến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì cùng với Nhân dân Thủ đô tích cực sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ hậu phương, thực hiện chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong mưa bom bão đạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào thi đua lao động sản xuất của huyện phát triển mạnh mẽ. Thanh Trì luôn làm tốt nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho Hà Nội.
Trong những năm tháng xây dựng quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì vinh dự được nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và động viên Nhân dân tích cực sản xuất. Cùng với những hậu quả của chiến tranh, cả nước đứng trước những khó khăn to lớn về kinh tế - xã hội, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì đã nỗ lực cao độ, đồng lòng chung sức vượt qua mọi thử thách, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế…, từng bước đạt được những kết quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy dân chủ, động viên các phong trào quần chúng thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương. Nhiều khu đô thị mới ra đời như: Linh Đàm, Định Công, Đại Thanh, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp… Nhiều khu công nghiệp hình thành như: Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được cải tạo và nâng cấp. Các xã hoàn thành cải tạo mạng lưới điện, các công trình nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư và từng bước được nâng cao, góp phần phục vụ tốt cho Nhân dân.
Để phù hợp với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh của huyện, đáp ứng được yêu cầu xây dựng đô thị phía Nam TP Hà Nội, từ tháng 1/2004, thực hiện Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ, huyện Thanh Trì chuyển giao 9 xã, cùng 5 phường của quận Hai Bà Trưng để thành lập quận mới Hoàng Mai. Huyện Thanh Trì còn 15 xã và 1 thị trấn.
Trong giai đoạn phát triển mới, với tinh thần phát huy truyền thống, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, huyện đã tập trung lãnh đạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, TP; xây dựng và thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng giá trị sản xuất hằng năm đều tăng, cụ thể: Bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,2%/năm, mức tăng thu ngân sách bình quân năm đạt 16,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Hiện, tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 39,6%; công nghiệp xây dựng chiếm 55,1%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 5,3%.
Xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội là khâu đột phá, Thanh Trì đã bố trí hơn 1.210 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Đến năm 2020, huyện đã hoàn thành xây dựng 17 dự án đường giao thông với chiều dài 25,96km, trong đó có nhiều tuyến đường trục chính, đường kết nối, đường liên xã...
Với sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao cùng những thành tựu nổi bật đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì tự hào và vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2000); Huân chương Lao động hạng Nhất (2003); Huân chương Độc lập hạng Ba (2010); các năm 2015, 2016 huyện liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu. Thành công nối tiếp thành công, năm 2017, huyện Thanh Trì vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch); được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Xác định 3 khâu đột phá trong phát triển
Với mục tiêu xây dựng và phát triển huyện trở thành quận vào năm 2025 theo hướng giàu đẹp, văn minh. Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án để thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tốt một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 đạt 13,2%/năm.
Hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu giao thu ngân sách nhà nước hằng năm, tiến tới bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách. Mật độ đường giao thông đô thị đạt 10km/km2 Diện tích cây xanh công cộng trên địa bàn huyện đạt 6m2/người. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn của TP. 100% hộ dân được sử dụng nước sạch đô thị. Số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm là 200 đảng viên…
Để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu trên, Đảng bộ huyện Thanh Trì tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh.
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Thanh Trì (31/5/1961 - 31/5/2021), đây là dịp để Đảng bộ và Nhân dân huyện ôn lại những dấu ấn đậm nét của quê hương. Cùng với đó, quyết tâm xây dựng huyện Thanh Trì ngày một văn minh, giàu đẹp.