Tượng đài Mẹ Tổ quốc trên đồi Manaev ở Volgograd - biểu tượng của nhân dân Nga về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Theo truyền thống, nhân dịp này, thành viên Câu lạc bộ Chiến tranh - Lịch sử sẽ tái diễn lại cảnh "bắt sống" Thống chế Paulus, vị tướng hàng đầu của quân đội phát xít Đức và bộ tham mưu của Hitle 70 năm trước (31/1/1943).
Ngoài ra, Hội chợ hoa tưởng niệm quốc tế, có tên gọi "Hoa dành cho các anh hùng chiến thắng" cũng được tổ chức tại Volgograd với chủ đề chính là tạo hoa tưởng niệm và hoa dành cho cựu chiến binh. Hội chợ hoa quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố bên sông Volga, đã thu hút nhiều nghệ nhân làm hoa nổi tiếng đến từ Ukraine, Belarus, Moldova và 10 khu vực khác của Nga.
Cuộc chiến Stalingrad kéo dài 200 ngày đêm (từ 17/7/1942 tới 2/2/1943), được coi là trận đánh dài và gian nan nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Gần 1,2 triệu chiến sĩ Xô - viết đã ngã xuống để ngăn chặn kẻ thù tiến tới sông Volga. Trận đánh ác liệt nhất là trận "giành giật từng tấc đất" để bảo vệ ngọn đồi cao 102m, gọi là đồi Mamaev ở Stalingrad, diễn ra 135 ngày đêm.
Trong những ngày mùa Đông khắc nghiệt cuối năm 1942, Hồng quân Liên Xô đã bám trụ một cách vững chắc và kiên cường bên bờ Tây sông Volga, từng bước giành lợi thế, từ phòng ngự chuyển sang phản công. Tới đầu tháng 2/1943, sức kháng cự của đội quân phát xít Đức hoàn toàn bị dập tắt, và Tập đoàn quân số 6 với 33 vạn quân của Thống chế Paulus đã bị tiêu diệt hoàn toàn vào ngày 2/2/1943.
Trong cuộc chiến tại Stalingrad, có khoảng 1,5 triệu quân Đức tử trận, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh
Chiến thắng Stalingrad đã đi vào lịch sử Liên Xô trước đây và cả nhân loại, được coi là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cơ bản cục diện Chiến tranh thế giới thứ 2.
Sau tháng 2/1943, Hồng quân Liên Xô bắt đầu chuyển sang phản công trên khắp các mặt trận, dẫn tới chiến thắng 9/5/1945 đánh bại đội quân phát xít.